Nhắc đến gia đình ông bà Phạm Ngọc Thám, (tổ 9, thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), bà con trong thôn, xóm không ai không khỏi cảm kích và thán phục. Bởi, không chỉ nuôi các con ăn học thành tài, gia đình ông bà còn rất tích cực làm công tác từ thiện.
Nhắc đến gia đình ông bà Phạm Ngọc Thám, (tổ 9, thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), bà con trong thôn, xóm không ai không khỏi cảm kích và thán phục. Bởi, không chỉ nuôi các con ăn học thành tài, gia đình ông bà còn rất tích cực làm công tác từ thiện.
Ngoài công việc từ thiện, chăm sóc cây cảnh cũng là niềm vui của ông Thám lúc rảnh rỗi |
Trong căn nhà khang trang vào một buổi tối đầu tuần, ông bà Thám tiếp chúng tôi với một tình cảm rất chân thành và ấm áp. Xen giữa câu chuyện là những tiếng cười sảng khoái đầy hạnh phúc và mãn nguyện của đôi vợ chồng già đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhất là khi nghe tôi hỏi về 9 người con, về công việc từ thiện mà ông bà đã lặng lẽ làm trong suốt những năm qua.
Ông Thám năm nay 76 tuổi, còn bà Lê Thị Bốn - vợ ông, cũng đã ở vào tuổi 72. Ông vốn là công nhân, còn vợ ông là nông dân chân chất, nên cuộc sống gia đình trước đây lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau. Mà ông bảo, khổ nhất là thời bao cấp, vợ chồng ông bà phải chạy vạy đủ nghề, từ lái xe, chăn nuôi, buôn bán đến làm nương rẫy… mới có thể nuôi nổi bản thân và có tiền cho 9 người con ăn học. Vất vả và khó khăn là vậy nhưng lúc nào ông cũng tâm niệm “Bản thân mình đến chuyện viết chữ thôi cũng chẳng ngay lối, thẳng hàng thì phải quyết tâm nuôi các con ăn học, dù sau này không làm ông nọ, bà kia thì cũng học để nên người”. Nhưng để biến tâm niệm trên trở thành hiện thực như ngày hôm nay, khi cả 9 người con đều tốt nghiệp PTTH, trong đó 7 người tốt nghiệp đại học và một người tốt nghiệp trung cấp, là cả một chặng đường đầy gian nan và khổ cực. Đó là những ngày chạy ăn từng bữa, là những lần phải đi vay “nóng” để có tiền cho con ăn học, là những trăn trở, thao thức đêm đêm, là những lúc phải “giật gấu vá vai”… để các con được yên tâm cắp sách đến trường.
Ông bảo, đã có lúc khó khăn đến nỗi ông bà tưởng chừng như không lo nổi vì cuộc sống quá khó khăn, nhưng những lúc đó, sự chăm ngoan học hành của các con lại là động lực duy nhất và to lớn giúp ông bà gượng dậy, để cố gắng hơn từng ngày. Và phần thưởng xứng đáng cho những vất vả, hy sinh đó của ông bà trong những năm tháng qua đã được đền đáp xứng đáng bằng sự thành đạt của các con. Ông tự hào cho biết, các con của ông bà nay đã có công ăn việc làm ổn định, yên bề gia thất, con cái đề huề, trong đó, có người đang là Phó Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, người đang công tác tại Phòng Thương mại – Du lịch Lâm Đồng, người đang công tác tại Cụm cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Sân bay Liên Khương, người đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị một Công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM, người đang sinh sống tại nước ngoài… Nhưng dù làm ở đâu hay giữ chức vị nào, các con của ông bà cũng đều rất hiếu thuận và thương yêu nhau. Với ông bà, đó thật sự là niềm hạnh phúc không thể nào đong đếm nổi.
Khi khó khăn qua đi, trong nhà cũng có chút “của ăn, của để”, ông bà lại nghĩ đến chuyện làm từ thiện. Ông bảo, ngày xưa, vì thiếu ăn thiếu mặc, có lúc các con ông đã phải bỏ dở chuyện học hành, nên giờ thấy các cháu học sinh nghèo hiếu học, ông thật sự thấy rất thương và muốn giúp các cháu một phần nào đó để các cháu vững tin tới trường. Từ năm 2006 đến nay, ông bà đã bỏ ra hơn 80 triệu đồng để làm từ thiện. Đó là các hoạt động như: Trao 52 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học của xã Hiệp Thạnh, tặng quà cho người nghèo trong thôn, xóm dịp tết; rồi hễ nghe đâu có hoàn cảnh khó khăn, ông lặn lội tìm đến, lúc thì chục kg gạo, lúc ít gói mì, lúc ít tấm tôn, lúc ít tiền mặt… để những người nghèo có chỗ che mưa, che nắng và đỡ lúc đói lòng. Và ông cũng là một trong những thành viên tích cực trong việc quyên góp tiền công đức để tu sửa đình Phú Thạnh trên địa bàn xã. Ông bảo, mỗi việc mà ông đã và đang làm là một niềm vui nho nhỏ mà ông bà đang từng ngày góp nhặt. “Còn sức và còn khả năng, chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục làm công việc từ thiện. Bởi, tôi luôn dạy các con và cháu rằng, hạnh phúc lớn nhất là khi biết cho đi” - ông cười sảng khoái cho hay.
Thy Vũ