Hũ gạo yêu thương

02:11, 27/11/2012

Từ mô hình “Hũ gạo nuôi quân” mà Bác Hồ kêu gọi trong thời chiến, năm 2007, Hội Phụ nữ xã Lộc Ngãi đã phát động một số phong trào, như: “Ống tre tiết kiệm”, “Tổ đổi công”, “Hũ gạo tình thương”… nhằm giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người già cả, ốm đau...

Từ mô hình “Hũ gạo nuôi quân” mà Bác Hồ kêu gọi trong thời chiến, năm 2007, Hội Phụ nữ xã Lộc Ngãi đã phát động một số phong trào, như: “Ống tre tiết kiệm”, “Tổ đổi công”, “Hũ gạo tình thương”… nhằm giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người già cả, ốm đau. Nổi bật nhất trong phong trào “Hũ gạo tình thương” là bà Vũ Thị Liên ở thôn 8, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.

Bà Vũ Thị Liên (bìa trái) cùng chồng và Chủ tịch Hội LHPN Lộc Ngãi
Bà Vũ Thị Liên (bìa trái) cùng chồng và Chủ tịch Hội LHPN Lộc Ngãi


Trước mặt tôi là người phụ nữ đã bước sang tuổi sáu mươi, an nhàn, tĩnh tại. Bà đang vui hưởng tuổi già cùng chồng, con, cháu. Thế nhưng, dấu vết về một thời nghèo khó vẫn còn vương vất trên gương mặt, vóc hình. Bà bảo, quê bà ở Thanh Hoá, năm 1983 cùng chồng con dìu dắt nhau vào đất Lâm Đồng lập nghiệp. Những ngày đầu của cuộc mưu sinh trên quê mới Lộc Ngãi hết sức cơ cực, bộn bề, lo toan. Hàng ngày, bà phải đi làm thuê, làm mướn cho bất cứ ai cần nhân công để kiếm tiền độ nhật. Cuộc sống căng như sợi dây đàn, có lúc tưởng chừng không qua nổi. Nhưng, đất khó đã không phụ công người. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn ngày nào đã được đền đáp xứng đáng. Chắt chiu từ những đồng tiền lẻ, cuối cùng, vợ chồng bà cũng có được mảnh vườn của riêng mình. Cuộc sống bắt đầu khấm khá lên từ đó. Mỗi năm, vườn cà phê nhà bà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Con cái thì chăm ngoan, học hành thành đạt. Hiện, hai cô con gái út đang là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; hai anh con trai lớn cũng đã yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định.

Có thể nói, gia cảnh hiện tại của bà chưa hẳn đã là giàu có. Song, trước hoàn cảnh khó khăn của người khác, bà không đành lòng. Bà tâm sự: “Ngày xưa, tôi cũng khổ nhiều, nên giờ hỗ trợ được ai phần nào thì hỗ trợ. Chỉ mong sao mọi người bớt cực và có cuộc sống tốt hơn”. Và rồi, từ năm 2010 đến nay, đều đặn vào ngày mồng 5 mỗi tháng, bà lại cùng chồng chở 25 kg gạo, phân phát giúp gia đình cụ ông Đinh Trai (ở thôn 2) và cụ bà Nguyễn Thị Liên (ở thôn 3) xã Lộc Ngãi. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ thêm các cụ Trần Thị Thái, Hồ Thị Sắt, Đào Thị Minh… và chăm sóc các hội viên nghèo trong thôn.

Gia đình của cụ ông Đinh Trai (sinh năm 1933) thật đáng thương. Cụ bị tai biến đã hơn 10 năm nay. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều do một mình vợ (bà Phan Thị Châu, sinh năm 1935) gánh vác. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi cả 4 người con của hai cụ đều nghèo và thường xuyên đau ốm, nên chẳng thể nào giúp đỡ được bố mẹ. May thay, 3 năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước 120.000 đồng/tháng, hai cụ còn nhận được 15 kg gạo của bà Vũ Thị Liên mỗi tháng. Số gạo tuy không nhiều, nhưng lại chứa đựng cả một tấm lòng nhân ái. Cụ bà Phan Thị Châu không cầm được nước mắt, nói: “Tôi mừng vì nhận được 15 kg gạo này hơn mừng bất kỳ thứ gì khác. Nó thật sự là những “hạt vàng” tình nghĩa”. Còn gia cảnh của cụ bà Nguyễn Thị Liên, cư trú tại thôn 3, xã Lộc Ngãi, cũng chẳng hơn gì. Chồng cụ mất đã lâu, hai người con thì ở xa, lại nghèo khó, thành thử hàng ngày, bà lại bươn chải đi nhặt chè buồm (chè phế phẩm) để bán. Số tiền mà bà thu được mỗi ngày từ 6.000 đến 7.000 đồng, nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Không đành lòng trước hoàn cảnh khó khăn của cụ, bà Vũ Thị Liên lại đứng ra nhận giúp đỡ cụ mỗi tháng 10 kg gạo, từ đầu tháng 7 năm 2010 đến nay. Xúc động trước tấm lòng của người cưu mang mình, cụ Nguyễn Thị Liên cho biết: “Bà Vũ Thị Liên là một người có lương tâm, đạo đức và rất thương người. Rất may là những người nghèo như tôi gặp được bà. Tôi biết ơn bà nhiều lắm!”.

Chia tay gia đình cụ Đinh Trai (ở thôn 2) và gia đình cụ Nguyễn Thị Liên (ở thôn 3) giữa ngun ngút ngàn xanh, dáng bà Vũ Thị Liên như hoà lẫn vào sắc núi. Tôi thấy bếp nhà cụ Đinh Trai đã bắt đầu đỏ lửa, mơ hồ mường tượng về một bữa ăn ngon đang đợi cụ và thầm chúc cho tấm lòng bao dung, nhân hậu của bà Vũ Thị Liên mãi toả sáng đến với tất cả những người lao động nghèo.

TRỊNH CHU