Thay đổi nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS

03:11, 29/11/2012

Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Đỗ Công Kim - GĐ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh về các hoạt động tại địa phương.

Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Đỗ Công Kim - GĐ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh về các hoạt động tại địa phương.

PV: BS cho biết thông điệp cụ thể và mục tiêu hành động nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay?

Bác sĩ Đỗ Công Kim
Bác sĩ Đỗ Công Kim

BS Đỗ Công Kim: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) tiếp tục chủ đề: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, với nội dung chủ yếu là truyền thông vận động thay đổi hành vi tự phòng tránh lây nhiễm HIV và tăng cường tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

 Mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm mới HIV:  Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm. Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS. Giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma tuý vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma tuý đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

 PV: BS có thể nhận định về tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay như thế nào?

BS Đỗ Công Kim: Tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã bị kìm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như: tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã vượt qua tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, sự gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người tiêm chích ma tuý, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch, nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Do vậy, kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

PV: Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động gì để can thiệp giảm tác hại, phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng?

 BS Đỗ Công Kim: Qua giám sát phát hiện trong 9 tháng năm 2012, số trường hợp nhiễm HIV tích luỹ được báo cáo trên toàn tỉnh là 1.908 người (1.274 trường hợp có hộ khẩu tại Lâm Đồng). Trong đó, có 411 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 269 bệnh nhân đã tử vong do AIDS. Số nhiễm HIV mới phát hiện là 111 trường hợp.

Để không còn người nhiễm HIV mới, trong thời gian tới chúng ta phải triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như: Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, nhằm nâng cao kiến thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS để họ tự biết cách phòng chống lây nhiễm. Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, để giảm thiểu sự lây nhiễm ra cộng đồng và huy động mọi người cùng tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, chú trọng các biện pháp chuyên môn như: Cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc và điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm…

PV: Như vậy, xã hội chấp nhận “sống chung với AIDS”, nhưng làm thế nào để cuộc sống an toàn hơn?

BS Đỗ Công Kim: Như chúng ta đã biết HIV/AIDS có thể lây từ người sang người qua ba con đường là: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Những đường lây này con người có thể chủ động kiểm soát và hạn chế được, nếu mọi người có kiến thức, thái độ và thực hành đúng trong phòng chống HIV/AIDS.

Hiện nay tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn nhanh và đang có xu hướng lây từ nhóm người có hành vi nguy cơ cao ra cộng đồng dân cư, nếu mọi người có sự hiểu biết đúng và có biện pháp dự phòng thích hợp thì chúng ta có thể khống chế và đẩy lùi được sự lây lan của HIV. Để đạt được điều này, chúng ta phải tăng cường công tác truyền thông để mọi người nhận thấy rằng HIV/AIDS cũng như các bệnh lây nhiễm khác, là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được và đặc biệt là phải giảm và tiến tới không còn sự kỳ thị đối với HIV/AIDS thì công tác phòng chống HIV/AIDS mới đạt kết quả như mong muốn.

Tầm nhìn “Ba không” trong phòng chống HIV/AIDS toàn cầu là: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Trong đó, mục tiêu không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là nội dung quan trọng và khó thực hiện nhất để đạt được tầm nhìn “Ba không”. Vì vậy, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS là việc làm rất quan trọng.

 PV: Cám ơn BS!

Diệu Hiền (Thực hiện)