Lâm Hà quy hoạch mạng lưới trường lớp theo chuẩn quốc gia

03:11, 24/11/2012

Việc đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất giáo dục huyện Lâm Hà nhằm đề ra bản quy hoạch trường lớp cho những năm sau góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông.

Việc đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất giáo dục huyện Lâm Hà nhằm đề ra bản quy hoạch trường lớp cho những năm sau góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông. Qua đó, sắp xếp lại các điểm trường, đảm bảo cơ cấu hợp lý về số lượng phòng học, phòng chức năng theo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia đang được chính quyền địa phương đặt ra, hướng tới.

Trong những năm qua, mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập các cấp học, song thực tế trên địa bàn huyện vẫn còn những điểm trường có ít học sinh, tiêu chuẩn diện tích phòng học, sân chơi trên đầu học sinh còn đạt thấp. Nhìn tổng thể nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ nay đến năm 2020 cần có nguồn nhân lực tương ứng mà một trong các điều kiện phát triển giáo dục toàn diện phải có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ. Theo thống kê của huyện Lâm Hà, đến nay trên địa bàn huyện có 20 trường mầm non, trong đó số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chỉ chiếm 5%, nghĩa là duy nhất có 1 trường đạt chuẩn. Bên cạnh các phòng chức năng và khối hành chính, tổng số phòng học dành cho học sinh mầm non là 176 phòng nhưng mới chỉ có 77 phòng được xây dựng kiên cố, chiếm 43,75%. Đánh giá chung, với hệ thống trường, lớp bậc mầm non hiện tại bước đầu đã tăng số lớp học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện, song còn khá nhiều trường chưa đảm bảo quy mô diện tích như: bình quân đạt 6m2/trẻ em đối với khu vực đô thị và 10 m2/trẻ em đối với khu vực nông thôn theo quy định, hay diện tích sân, vườn chưa đủ 50% so với diện tích mặt bằng của trường. Tương tự, đối với hệ thống cơ sở vật chất giáo dục phổ thông, trong tổng số 460 phòng học cấp tiểu học mới có 302 phòng được xây dựng kiên cố, đạt tỷ lệ 65,65%; khối trung học cơ sở có 238 phòng học, trong đó có 198 phòng được xây dựng kiên cố, chiếm 83,19%. Riêng bậc trung học phổ thông hiện có 5 trường với tổng số phòng học và phòng chức năng, hành chính là 138 phòng, trong đó phòng học là 106 phòng, chiếm 76,81%. Bên cạnh đó, Lâm Hà có 36 phòng chức năng và phòng học thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp nhưng chỉ có 12 phòng được xây dựng kiên cố, chiếm 33,33%. Nhìn chung mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp của huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu học 2 ca/ngày nhưng do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chủ yếu tập trung xây dựng phòng học, chưa xây dựng đồng bộ các khối công trình theo cơ cấu của trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng bao gồm: phòng bộ môn, phòng tin học, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng thiết bị giáo dục, nhà tập đa năng và thư viện... Một số trường chưa đủ quy mô diện tích mặt bằng với mức bình quân tối thiểu 6m2/1 học sinh đối với khu vực thành thị và 10m2/1 học sinh đối với khu vực nông thôn và vùng ngoại thị. Đó là chưa kể diện tích sân, bãi theo quy định ít nhất 30% diện tích mặt bằng đối với trường tiểu học và 25% đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đặc biệt, mạng lưới trường tiểu học vẫn còn khá nhiều điểm trường với sĩ số học sinh quá ít không đủ điều kiện để đầu tư kiên cố hoá, hiện còn có 13 điểm trường có từ 1 đến 2 phòng học và 26 điểm trường có 3 phòng học.

Từ thực trạng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp nêu trên, nhu cầu đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng và khối hành chính mà bản quy hoạch đề ra với mục tiêu thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các khối công trình theo tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, cần đầu tư nâng tổng số phòng học, phòng chức năng và các phòng thuộc khối hành chính từ 1.392 phòng hiện tại lên 1.897 phòng vào năm 2015 và 2.243 phòng vào năm 2020. Theo đó, xác định tỷ lệ kiên cố hoá tăng từ 66,31% trên tổng số phòng lên 90% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia nêu trên, tổng nhu cầu sử dụng đất của mạng lưới cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn huyện Lâm Hà tăng từ 92,61 ha lên 98,95 ha; đồng thời cần thực hiện lộ trình đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút nguồn vốn từ ngân sách, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xã hội hoá giáo dục và các nguồn vốn khác. Với bản quy hoạch này Lâm Hà đang hướng đến sắp xếp, giảm dần các điểm trường có ít học sinh, tiến tới đầu tư kiên cố hoá các trường có quy mô 6 phòng học trở lên và trên cơ sở đó đầu tư kiên cố hoá đồng bộ mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

XUÂN TRUNG