Liên hoan văn nghệ Ngành Giáo dục Đà Lạt: Trong trẻo những tâm hồn

02:11, 11/11/2012

(LĐ online) - Bốn buổi sôi nổi và hào hứng, 113 tiết mục, 72 đơn vị trường học từ mầm non đến cao đẳng, văn phòng Sở, Liên hoan văn nghệ Ngành Giáo dục thành phố Đà Lạt đã kết thúc vào ngày 10/11.

(LĐ online) - Bốn buổi sôi nổi và hào hứng, 113 tiết mục, 72 đơn vị trường học từ mầm non đến cao đẳng, văn phòng Sở, Liên hoan văn nghệ Ngành Giáo dục thành phố Đà Lạt đã kết thúc vào ngày 10/11. Liên hoan thu hút khoảng 2 ngàn diễn viên không chuyên là CB, GV, CNV và 4 ngàn lượt khán thính giả trong và ngoài ngành. Tiếng hát, điệu múa ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm về những tâm hồn trong trẻo của giáo giới, dư ba những tình cảm đẹp với người thưởng thức…

Tiết mục ’’Quê hương ba miền’’ của THCS Nguyễn Trãi giải A với số điểm cao nhất
Tiết mục ’’Quê hương ba miền’’ của THCS Nguyễn Trãi giải A với số điểm cao nhất


Nhạc sĩ, hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam Dương Toàn Thiên thay mặt Ban giám khảo đã “bày tỏ sự cảm phục và ngưỡng mộ trước một tinh thần nghiêm túc, nhiệt tình với trách nhiệm  rất cao” của đội ngũ giáo dục thành phố “đông đảo và đầy tiềm năng”.

Dù cấp học nào, dù điều kiện hay địa bàn nào, các trường đều đầu tư tối đa cho tiết mục, từ chọn tiết mục phù hợp, tổ chức dàn dựng luyện tập, lo trang phục biểu diễn. 100% tiết mục đều được BGK đánh giá từ điểm 7 trở lên.

Múa là thế mạnh của đội ngũ làm giáo dục. Có 29/112 tiết mục múa độc lập, trong đó có nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng mang tính chuyên nghiệp cao. Những màn múa minh họa so với những năm trước đã được chú ý tiết chế phù hợp với ý đồ nghệ thuật, không lấn át vai trò của hát. “Nhiều đơn vị đã biết xây dựng các tiết mục múa có cấu trúc, ngôn ngữ múa phục vụ tích cực cho chủ đề nội dung. Động tác múa hết sức sáng tạo, hấp dẫn, cuốn hút. Trang phục hài hòa và đẹp” - Giám khảo Phan Trọng Hậu - Hội viên Hội Nghệ thuật múa Việt Nam nhận xét.

Ở phần ca, xuất hiện nhiều yếu tố mới, ngoài những hạt nhân “lâu mà không cũ” như Lô Xuân Thống (THPT Thăng Long), Lê Quốc Minh (THPT Tây Sơn), Lê Thị Hương (MN Anh Đào), Nguyễn Thị Thu Thủy (Dân tộc nội trú tỉnh), lớp kế cận “đậm đà cuốn hút” như Ngọc Hân (TH Tà Nung), Ngọc Trinh (TH Hùng Vương), Xuân Quý (TH Phan Như Thạch), Kim Phương (THCS Nguyễn Trãi), Nguyễn Thị Thảo (THPT Yersin), Thu Thủy (Trường Hecmen Gmeiner)... Đặc biệt lớp đàn em của họ xuất hiện với bản lĩnh sân khấu rõ rệt như Thanh Quý (MN 8), Nguyệt Trâm (MN Du Sinh), Thu Loan (MN  Xuân Thọ), Ngọc Châu (MN Trại Mát), Trần Thị Đinh Vân (TH Xuân Thọ), .v..v..

Tuy nhiên, là những diễn viên không chuyên, còn nhiều nỗi lo cho chuyên môn và nghiệp vụ cũng như cuộc sống thường nhật, sự hạn chế của một số tiết mục là điều rất dễ chia sẻ. Theo đánh giá của BGK, ở phần múa, ngôn ngữ và dàn dựng còn đơn giản, sơ lược, thiếu biểu cảm. Về hát, chất lượng thấp thường ở những tiết mục tốp ca, mặc dù được tính phong trào nhưng thiếu sự kết dính hòa thanh, chênh phô nên hiệu quả chưa cao…

Chủ tịch Công đoàn Ngành GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Thức đánh giá: Liên hoan văn nghệ thành phố Đà Lạt là nhằm chuẩn bị cho Hội diễn văn nghệ toàn ngành sắp tới. Đây là 1 trong 5 nhóm vấn đề lớn của ngành đang tích cực thực hiện trong tháng 11  này. Phong trào văn nghệ là truyền thống của ngành, lần này tuy rầm rộ hơn vì kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhưng nó được duy trì thường xuyên. Văn nghệ không chỉ là múa hay hát thuần túy mà còn là văn hóa, nhằm gắn kết giữa cán bộ và giáo viên, CNV; là đời sống tinh thần góp phần đạt những giờ dạy giỏi, những tiết dạy hay…

Sau 4 buổi thi, Liên hoan văn nghệ thành phố Đà Lạt đã được BGK đánh giá 13 giải A, 15 giải B, 15 giải C và 15 giải khuyến khích. Ban tổ chức đã chọn 16 tiết mục công diễn, 16 tiết mục phục vụ các lễ kỷ niệm và sự kiện giáo dục của tỉnh, thành phố trong tháng 11 này.

Minh Đạo