Từ năm học 2012 – 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Mô hình trường học mới Việt Nam. Các trường tham gia mô hình này tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ cách dạy học của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh.
Từ năm học 2012 – 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Mô hình trường học mới Việt Nam. Các trường tham gia mô hình này tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ cách dạy học của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh. Quá trình tự học, tự đánh giá của học sinh là trọng tâm của hoạt động giáo dục.
Cách bố trí lớp học “mở” khi triển khai Mô hình trường học mới Việt Nam |
Cùng với 1.447 trường học trong cả nước, Lâm Đồng có 12 trường tiểu học ở các huyện, thành triển khai thí điểm Mô hình trường học mới Việt Nam. Tại Bảo Lộc, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn là trường duy nhất được chọn triển khai thí điểm. Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cho biết: Cũng giống như đổi mới phương pháp dạy học từ trước đến nay, nhưng Mô hình trường học mới Việt Nam rõ nét hơn. Học sinh thực sự là chủ thể của quá trình tự lĩnh hội kiến thức. Có thể nói, đây là Mô hình trường học “3 tự”: Trường tham gia trên tinh thần tự nguyện, học sinh tự học, giáo viên tự tìm tòi. Qua một thời gian triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả nhất định.
Để có thể được chọn triển khai thí điểm, các trường phải có quy mô trung bình và tổ chức lớp học 2 buổi/ngày. Trong năm đầu triển khai, tại Trường Lê Quý Đôn có hai lớp 2 và hai lớp 3 áp dụng. Sở dĩ chọn từ lớp 2 vì học sinh có thể chủ động “chiếm lĩnh” được kiến thức. Ở các lớp này, học sinh tự học, tự tìm tòi nghiên cứu. Giáo viên không chốt lại vấn đề như trước nữa mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn cho học sinh tự làm. Cách làm này đã giúp giáo viên “phá tan” nếp dạy cũ là “cô giảng, trò nghe”, mà chỉ định hướng đúng – sai cho học sinh. Giáo viên không còn “sức ỳ” chỉ dựa vào sách vở mà phải tìm tòi, sáng tạo cho từng bài giảng. Còn đối với học sinh, các em được chủ động học tập, tự tìm hiểu kiến thức. Chính vì vậy, việc phân loại học sinh rõ ràng hơn. Các em cũng mạnh dạn và tự tin hơn trong quá trình học tập.
Tại các lớp triển khai mô hình này, học sinh tự tổ chức các hội đồng tự quản, ban học tập, ban đối ngoại, ban đời sống… Trong quá trình học, các em chia nhóm, chia cặp để cùng thảo luận, trao đổi và làm bài. Khi hoàn thành, các em đưa bảng xanh để giáo viên kiểm tra thành quả mà học sinh “chiếm lĩnh” được tới đâu. Nếu làm không được thì các em đưa bảng đỏ để nhờ sự “trợ giúp”. Việc trợ giúp này cũng chỉ là hướng dẫn cách làm để các em tự làm lại, không đưa ra kết quả như cách chấm điểm trước đây. Ngoài ra, học sinh còn được thẳng thắn góp ý thông qua “hộp thư góp ý” điều em muốn nói hoặc “hộp thư cá nhân”. Thông qua đó, giáo viên nắm rõ tâm tư, tình cảm của các em để có cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Mỗi lớp học triển khai mô hình thí điểm có 2 giáo viên, gồm giáo viên chủ nhiệm dạy Toán – tiếng Việt và giáo viên bộ môn dạy Mỹ thuật, Thể dục, Âm nhạc, Thủ công và Đạo đức. Điều đặc biệt của mô hình này là tài liệu được tích hợp tất cả kiến thức trong sách giáo khoa cũ. Giáo viên tổ chức lớp vất vả hơn, do không có giáo án soạn sẵn, không có tài liệu hướng dẫn. Bản thân giáo viên phải có trình độ và biết tự trau dồi kiến thức, lập kế hoạch bài dạy và ghi nhật ký giảng dạy hàng ngày. Cái khó hiện nay khi triển khai mô hình này, là thiếu tài liệu giảng dạy do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Hiện, khối lớp 2 có 64 học sinh, nhưng chỉ có 17 cuốn tài liệu tự nhiên, xã hội. Tương tự, khối lớp 3 chỉ có 14 tài liệu cho 58 học sinh. Ngoài ra, tài liệu cũng chỉ mới cấp cho học kỳ I, còn học kỳ II chưa có. Do đó, trường sẽ tiếp tục dạy bằng tài liệu cũ nhưng với phương pháp mới.
Theo kế hoạch, Mô hình trường học mới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đối với học sinh lớp 4 vào năm học 2013 – 2014 và lớp 5 vào năm tiếp theo. Theo cô Hiền, Mô hình trường học mới Việt Nam là chương trình giảng dạy tiên tiến, thúc đẩy học sinh làm việc trong thế chủ động và hợp tác; từ đó, giúp đổi mới đồng bộ từ phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.
ĐÔNG ANH