Người giữ hồn trà “cổ”

03:11, 15/11/2012

Với những người sinh sống lâu năm trên vùng đất trà B’Lao hoặc ở phương xa, thì cái tên Trà Đỗ Hữu vẫn còn trong tiềm thức của họ. Dẫu rằng, thương hiệu này không còn nhiều thị phần như trước.

Bà Đỗ Thị Ngọc Sâm
Bà Đỗ Thị Ngọc Sâm

Bây giờ ở xứ trà B’Lao, mọi người thường hay nhắc đến danh trà Phương Nam, Quốc Thái, Thiên Hương. Thế nhưng, với những người sinh sống lâu năm trên vùng đất trà B’Lao hoặc ở phương xa, thì cái tên Trà Đỗ Hữu vẫn còn trong tiềm thức của họ. Dẫu rằng, thương hiệu này không còn nhiều thị phần như trước.

Trong căn nhà nhỏ ở gần cuối con hẻm đường Trần Phú, bà Đỗ Thị Ngọc Sâm (88 tuổi) - chủ nhân của danh trà Đỗ Hữu, đang ngồi trò chuyện cùng cô con dâu. Thấy khách, bà niềm nở mời chúng tôi vào. Khi biết ý định chúng tôi muốn tìm hiểu về những năm tháng vàng son của Trà Đỗ Hữu, bà vui vẻ và linh hoạt hẳn lên. Bà kể: “Năm 1950, mới 26 tuổi, tôi rời vùng quê Hương Trà, Thừa Thiên - Huế để vào đất B’Lao sinh sống. Ban đầu, tôi đi làm thuê cho các sở trà của người Pháp. Một thời gian sau thì chuyển sang bán trà cho hành khách trên những chuyến xe qua lại Quốc lộ 20”.

Để làm nên thương hiệu Trà Đỗ Hữu, trước hết, là ở nghệ thuật ướp hương. Năm 1952, bà Sâm tự chế biến trà hương để bán. Bà không ướp các loại hương như cam thảo, đại hồi, ngâu, sen, lài hay sói mà bà ướp trà bằng hoa của cây hường vi - một loài hoa dại, được ông Đỗ Hữu Cẩm Tự Thảo (anh trai bà) trồng trong vườn nhà. Hương hường vi có vị nhẹ nhàng, thanh khiết rất hợp với trà. Việc sau nữa là chọn giống trà. Gia đình bà thường chọn giống trà bạch mao để trồng và tự chăm sóc, hái trà theo kỹ thuật riêng. Trà sau khi hái về, bà luộc sơ qua rồi dùng sàng để sàng cho đọt trà xoăn lại. Việc kế tiếp là ép và sấy khô trong những cái nia, cái bồ bằng tre trên những vỉa than hồng với nhiệt độ vừa phải, xong gói thành mỗi bịch 1 kg. Hàng ngày, bà chuẩn bị sẵn những ấm trà ướp hương nóng mời mọi người uống thử để mua trà về làm quà. Lâu sau, khách đi xe thấy trà ngon mà không có thương hiệu nên thắc mắc. Thế là bà lấy biểu tượng con chim bồ câu trắng ngậm nhành lúa làm thương hiệu. Đến năm 1956, vì muốn mang dấu ấn của dòng họ Đỗ, nên nhãn hiệu chim bồ câu được bà thay bằng Trà Đỗ Hữu. Và, kể từ đây, danh trà Đỗ Hữu vang xa ra tận miền Trung, vào đến miền Nam, Đà Lạt - Sài Gòn... Thu nhập của gia đình bà vào thời đó trung bình 1 cây vàng/ ngày.

Bí quyết làm trà hương này được bà Sâm phát huy và tạo nên hương vị riêng cho Trà Đỗ Hữu. Đáng tiếc là sau năm 1975, loài hoa hường vi này không còn nữa, bà Sâm đành sử dụng hoa sói, hoa lài… để thay thế. Mặc dù không đặc sắc như khi ướp với hoa hường vi, nhưng nhiều năm sau đó, thương hiệu Trà Đỗ Hữu vẫn được khách hàng gần, xa ưa chuộng và tìm mua.

Thưởng thức trà. Ảnh: Thanh Toàn
Thưởng thức trà. Ảnh: Thanh Toàn


Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nên các công đoạn chế biến trà thủ công xưa dần dần được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trà ngày nay không còn được sấy với số lượng nhỏ trên nia, bồ nữa, mà đã được đưa vào các ống sấy hiện đại, công suất khoảng 500 kg trà sấy khô/ 1 mẻ. Các doanh nghiệp trà như: Phương Nam, Thiên Hương, Thiên Thành, Hương Kim Thảo, Hoa Sen, Bảo Tín, Tâm Châu, Trâm Anh… đã đầu tư trang thiết bị để đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, tạo uy tín trên thị trường. Cuộc cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng buộc các doanh nghiệp phải hướng đến các sản phẩm trà có chất lượng cao, mẫu mã bắt mắt, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Cùng với đó là những thử thách khắc nghiệt của cuộc “đua tranh” mẫu mã, chất lượng trên thị trường nội địa, cộng với chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhiều doanh nghiệp chế biến trà trên đất B’Lao lần lượt ra đời với những phương thức kinh doanh mới, nắm bắt nhanh xu hướng của người tiêu dùng đã đẩy thương hiệu Đỗ Hữu lùi dần vào quá khứ.

Không hề buồn bã chút nào, bà Đỗ Thị Ngọc Sâm chấp nhận vị trí hiện tại của mình và cảm thấy mãn nguyện về một quá khứ vàng son. Ủng hộ với việc ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất và chế biến trà, nhưng bà vẫn giữ phương thức chế biến thủ công và những mẫu mã truyền thống của gia đình. Bởi với bà, đó chính là văn hoá kinh doanh của dòng họ Đỗ Hữu. Và, dù bà có mất đi thì con cháu trong gia đình cũng vẫn giữ cách làm trà thủ công truyền thống đó. “Hơn 56 năm qua, tôi vẫn sản xuất trà theo phương pháp thủ công truyền thống. Tôi vẫn dùng những chiếc rổ, chiếc bồ, chiếc sàng… làm bằng tre. Tôi vẫn sấy trà bằng than hoa. Trà được ướp từ hương lài, hương sói tự nhiên nên vẫn được nhiều khách hàng tín nhiệm và vẫn tìm đến cơ sở trà Đỗ Hữu để mua!” - Bà Sâm vẫn có niềm tự hào tâm sự!

TRỊNH CHU