Đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm gây dựng nền móng và công tác bền bỉ tại Khoa trang trí nội ngoại thất, Đại học Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội, thầy lại tiếp tục rong ruổi mang những sáng tạo đến với các làng nghề và thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng.
Nhà giáo nhân dân, giáo sư, hoạ sỹ Lê Thanh, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật công nghiệp, người đã tham gia thiết kế nội thất công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà khách quốc tế của Lăng suốt 15 năm. Gặp ông, sự ân cần và chu đáo của một nhà giáo nặng lòng với nghề, với sáng tạo có thể xoá tan khoảng cách khi được gặp gỡ một nhân vật có tầm vóc trong giới mỹ thuật Việt Nam.
Nhà giáo Lê Thanh (người đứng bên phải) trong một hội thi về sản phẩm của các làng nghề |
Đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm gây dựng nền móng và công tác bền bỉ tại Khoa trang trí nội ngoại thất, Đại học Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội, thầy lại tiếp tục rong ruổi mang những sáng tạo đến với các làng nghề và thúc đẩy mỹ thuật ứng dụng. Gặp Nhà giáo nhân dân Lê Thanh trong dịp thầy đến Đà Lạt làm giám khảo cho vòng chung kết các sản phẩm của các làng nghề trên toàn quốc; ở độ tuổi đã qua 80, thầy vẫn sung sức và hăng hái, tỉ mỉ đến từng chi tiết để phát hiện và đồng cảm với từng sáng tạo dù là nhỏ của các nghệ nhân. Người thầy giáo ấy bình thản nhưng quyết đoán giữ vững lập trường để bảo vệ chính kiến của điểm sáng tạo nổi bật trong hàng trăm tác phẩm tại hội thi, dù gặp không ít ý kiến trái chiều từ những vị giám khảo cũng có nhiều bề dày khác, bởi với ông: “đôi khi, sự trái chiều đến tận cùng mới tìm ra được tác phẩm xuất sắc”.
Nhiều năm giảng dạy, dường như trong con người thầy, việc truyền đạt, cảm nhận và khơi gợi cho những sáng tạo đã trở thành một tình yêu tha thiết, là hơi thở, là cuộc sống. Sáng tạo như trở thành một nhịp cầu kết nối giữa thầy và trò, giữa những người bạn và người yêu nghệ thuật. Ông gắn bó với mỹ thuật từ hơn nửa thế kỷ trước, tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Việt Nam năm 1957, ông là một trong những hoạ sỹ đầu tiên tham gia xây dựng bảo tàng cách mạng Việt Nam - nơi tái hiện lịch sử đấu tranh của đất nước, nhân dân Việt Nam qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau khi công trình lớn này hoàn thành, hoạ sỹ Lê Thanh được Nhà nước cử sang Liên Xô (cũ) học về chuyên ngành thiết kế và trang trí nội thất trong 5 năm từ 1959 đến 1964. Trở về nước với kiến thức được đào tạo và lĩnh hội, thầy nhận nhiệm vụ thiết kế chương trình, thành lập Khoa Nội ngoại thất của Trường Đại học Mỹ Thuật công nghiệp. Ông đã là chủ nhiệm khoa suốt 30 năm công tác, bồi dưỡng, dìu dắt nhiều thế hệ học trò. Hoạt động trong môi trường sư phạm, con người nhà giáo - hoạ sỹ ấy đã dung hoà để chất mô phạm không lấn át cá tính nghệ sỹ, để ông có thể làm trọn vai trò của một nhà giáo mà vẫn có những hoạt động sáng tạo quy mô và bền bỉ cho đất nước. Có lẽ, đối với ông, sự dung hoà ấy đến từ thiên chất tài hoa bẩm sinh và sự lạc quan, vui vẻ, giản dị mà vẫn quyết liệt với sáng tạo. Một trong những công trình lớn mà ông tâm huyết chính là tham gia thiết kế nội thất công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà khách quốc tế trong suốt 15 năm. Đảm nhận công việc quan trọng này, ông đã cùng các đồng nghiệp làm việc bằng cả khối óc và trái tim để hoàn thành công trình. Sự đóng góp của ông đã được Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vào năm 1988. Ông còn là một trong những thành viên tham gia cùng đoàn hoạ sỹ Liên Xô cũ cùng thiết kế trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau nhiều năm công tác, nhận được rất nhiều tình cảm trân trọng, quý mến của biết bao thế hệ học trò và sự trân trọng của đồng nghiệp, tiếp xúc với ông, dù không phải là dài cũng đủ cảm nhận được một tư chất đặc biệt, am hiểu mà đơn giản, nhiệt tình và bình dị. Ông đề cao tính ứng dụng của mỹ thuật bởi điều này gắn liền với đời sống hằng ngày như: cách đan mây tre truyền thống được đan mỏng hơn và thoáng hơn để có thể lan toả ánh sáng của đèn điện khi làm chao đèn hay việc kết hợp hài hoà các kiểu đan để tạo nên sản phẩm trang trí mới và độc đáo…
Hoạ sỹ Vũ Hy Thiều, một người bạn lâu năm, cũng đồng thời là một hoạ sỹ có nhiều năm làm giám khảo cho các cuộc thi mỹ thuật đã vui vẻ làm "giám khảo" về ông bạn của mình rằng, trong con người nhà giáo Lê Thanh luôn có nhiều năng lượng để làm việc và giảng dạy. Gặp Nhà giáo nhân dân Lê Thanh, cảm nhận ông nhìn con người và vùng đất nào cũng có những vẻ đẹp riêng. Có lẽ vẻ đẹp ấy được khám phá bởi nhãn quan của một “kỹ sư tâm hồn” đầy tố chất nghệ sỹ.
Hải Yến