Nơi gửi gắm lòng tin

05:11, 14/11/2012

Nếu không có tấm biển “TRUNG TÂM 05 -06” phía trước cổng thì khách vào đây dễ có cảm nghĩ đó là một trường học nghề nội trú có phong cách văn hoá, hơn là một trại cai nghiện ma tuý và chữa bệnh cho gái mại dâm!

Đón chúng tôi tại một khoảng sân rộng cỡ sân bóng đá được trồng cây mát rượi và các loài hoa nhiều màu sắc là anh Dương Đức Thành - một người vui tính, sôi nổi, tác phong nhanh nhẹn và có tới 10 năm làm Giám đốc Trung tâm 05 - 06. Anh Thành hướng dẫn và giới thiệu chúng tôi tham quan khắp lượt các khu chức năng của trung tâm.

Chăm sóc trại viên lên cơn nghiện
Chăm sóc trại viên lên cơn nghiện


Theo quan sát và nghe khái quát, chúng tôi thấy khu hành chính nhỏ gọn mà tươm tất nghiêm túc; khu ở của học viên ngăn nắp gọn gàng như trong doanh trại quân đội; khu nhà ăn sạch sẽ và thoáng mát; khu cách ly dành cho những người đang trong thời gian chữa trị (nói là khu cách ly nhưng cổng không đóng kín) vẫn mở thông với các khu khác… Có một số điểm đáng lưu ý là trạm y tế được trang bị dụng cụ y tế cơ bản đảm bảo phục vụ nhiệm vụ cai nghiện và chăm lo sức khoẻ ban đầu cho học viên, mỗi năm chữa trị cho trên một ngàn ca bệnh nhưng chỉ có trên mười ca phải chuyển lên tuyến trên. Thư viện ở đây có gần 3.000 đầu sách được đánh giá là một trong những phòng đọc có hiệu quả phục vụ tốt, thu hút hơn 75% học viên tham gia. Khu học nghề gắn với khu sản xuất, có 6 nghề được Trung tâm tổ chức đào tạo cho học viên chưa có nghề nhằm tạo điều kiện hoà nhập cộng đồng khi họ trở về lại địa phương. Những người đã có nghề sẵn thì được phát huy bằng cách cùng với giáo viên hướng dẫn các học viên khác thực hành hay tham gia điều hành hoạt động lao động sản xuất trong 8 loại hình lao động trị liệu được thường xuyên tổ chức. Khá thú vị khi chúng tôi đến trại chăn nuôi do các học viên chăm sóc, có hàng trăm con heo lớn nhỏ được tắm rửa sạch sẽ, mập ú, ủn ỉn đi lại trong các ngăn chuồng, trong đó có trên 100 con heo rừng lai.

 Toàn bộ khu làm việc, học tập và cai nghiện của Trung tâm nằm giữa vườn cà phê xanh mát gần 40 ha. Một cảm giác thư thái dễ chịu, một cảm nhận gần gũi thân thiện. Nếu không có tấm biển “TRUNG TÂM 05 -06” phía trước cổng thì khách vào đây dễ có cảm nghĩ đó là một trường học nghề nội trú có phong cách văn hoá, hơn là một trại cai nghiện ma tuý và chữa bệnh cho gái mại dâm!

Ngồi tại văn phòng Trung tâm, Dương Đức Thành- Giám đốc và Tô Phú - Phó Giám đốc sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về những chuyện buồn vui của các anh với các đối tượng nghiện ma tuý và gái mại dâm.

Trung tâm 05-06 được thành lập vào ngày 4/4/2001 trên cơ sở tách Cơ sở 2 của Trung tâm BTXH ra thành một trung tâm riêng. Từ đó đến nay sau hơn 10 năm hoạt động Trung tâm giúp cai nghiện, chữa bệnh và dạy nghề cho 1.469 người, trong đó có 234 người hoạt động mại dâm và 1.235 người nghiện ma tuý. Trong số nghiện ma tuý, có 398 người cai tự nguyện (chiếm 32,2%), 837 người cai bắt buộc. Theo đánh giá của Cục PCTNXH, Trung tâm Lâm Đồng thu hút người  cai nghiện tự nguyện thuộc hàng cao nhất nước trong số các Trung tâm công lập. Căn cứ báo cáo thì 6 tháng đầu năm, Trung tâm có 437 người cai nghiện và chữa bệnh, cho về 188 người do hết thời hạn và về trước thời hạn vì phấn đấu tốt, còn 249 người trong đó nhiều người có gia đình ở Đà Lạt. Theo phát biểu của Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Đà Lạt trong hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2012 của ngành LĐ – TB – XH tỉnh: TP. Đà Lạt hiện có 534 người nghiện ma tuý, trong đó không dưới 100 người là con em của cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nào dẫn người ta đến với ma tuý? Thành cho biết người ta sa vào ma tuý và các  tệ nạn xã hội là do rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do chuẩn mực về lối sống của cá nhân bị khiếm khuyết, căn bản đạo đức của gia đình bị xô lệch! Và một nguyên nhân khác là nguồn cung ma tuý chưa giảm! Theo rất nhiều người nghiện cho biết thì hiện họ có thể tìm được ma tuý bất cứ lúc nào khi ra khỏi Trung tâm. Thực tế là số lượng ma tuý bị phát hiện và xử lý chiếm tỉ lệ không lớn so với lượng ma tuý lưu chuyển trên thị trường.

Cái cần nhất đối với họ là gầy dựng lại những nền tảng ban đầu của nhân cách, lối sống, thói quen. Điều này chỉ có thể làm được khi có một tập thể những người sẵn sàng thực hiện vai trò là người đồng hành vừa thân ái vừa nghiêm khắc, phải bằng tấm lòng của mình để họ cảm nhận được thực sự rằng tập thể này chính là gia đình thứ hai - cái mà họ thiếu thốn trong quá khứ. Không lên mặt rao giảng đạo đức, mà phải hướng dẫn bằng chính lối sống của mình, đồng thời giúp họ (đôi khi bắt buộc họ) điều chỉnh lối sống và thói quen. Thói quen không thể có ngay một sớm một chiều, mà được tạo dựng qua quá trình lặp lại - đôi khi rất nhiều lần, chính vì vậy mà cần phải có một lượng thời gian thích hợp cho từng người. Sẽ là ảo tưởng và duy ý chí khi đòi hỏi những chỉ tiêu to tát về số người không tái nghiện, mà phải ra sức giành lại từng người, từng người một, một cách kiên trì. Chính vậy nên mọi cán bộ, giáo viên của Trung tâm đều luôn cố gắng thực hiện phương châm: Sẽ không có trò tốt nếu không có thầy mẫu mực và thầy luôn cố gắng để mỗi ngày một giỏi hơn.

Trong công việc, lãnh đạo Trung tâm luôn xác định: "Đây không là việc riêng của mình mà phải là việc chung của mọi người". Từ đó, đã xây dựng được tình cảm và tạo được sự chia sẻ thật lòng của rất nhiều lực lượng bên ngoài. Đáng kể nhất là thân nhân học viên, trong đó Ban liên lạc thân nhân học viên đóng vai trò rất tích cực hỗ trợ cho Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các tôn giáo, các ngành chức năng, các đơn vị kết nghĩa giao lưu và chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác có hiệu quả.

Thái độ học tập, cai nghiện nghiêm túc, lao động tự giác, tình trạng bỏ trốn ít diễn ra kể cả các nhóm đi hái cà phê hoặc đi làm một số công trình bên ngoài, không có lực lượng bảo vệ của trung tâm đi kèm mà vẫn tự giác làm đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu và đi về đúng giờ giấc…Nguyên do là bởi phương pháp điều hành tự quản. Lãnh đạo Trung tâm cho biết có tới trên 55% các hoạt động của học viên đều thực hiện theo cơ chế tự quản và dân chủ, Trung tâm chỉ theo dõi hướng dẫn giúp đỡ. Việc làm này đã trở thành nền nếp và đã tạo ra được đội ngũ tự quản khá tốt, học viên tự quản lý các hoạt động như: điều hành đội, chấm điểm thi đua, tổ chức công tác hậu cần, điều hành kế hoạch làm việc hàng ngày, tổ chức các hoạt động thể thao và văn nghệ…  Hàng tuần họ tự bình bầu, đánh giá từ ý chí phấn đấu cắt cơn, nghiêm túc thực hiện nội qui, tổ chức và tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, cách cư xử với mọi người, thái độ lao động, rèn luyện... Ai đạt nhiều thành tích được về sớm trước thời hạn, ai phải về muộn đều do họ tự bình chọn với nhau… Đã có trường hợp thân nhân của học viên dùng mối quan hệ của mình, nhờ một số quan chức can thiệp cho con họ về sớm trước thời hạn nhưng Trung tâm không thể thực hiện được. Trong 8 loại hình lao động trị liệu, nếu công việc nào mà lao động của học viên có đem lại thu nhập về kinh tế thì đều được trả công tương xứng. Ví dụ như nuôi heo, trồng, chăm sóc cà phê, xây dựng các công trình hoặc sản xuất một số sản phẩm đem lại nguồn lợi…

Theo cục PCTNXH (Bộ LĐTBXH): Trong 123 Trung tâm công lập của cả nước, từ năm 2008 đến nay chỉ có Trung tâm của Lâm Đồng là thu được tiền đóng góp của học viên như tiền ăn, tiền tự trang trải các nhu cầu thiết yếu (theo qui định của nhà nước) và cũng chỉ ở Lâm Đồng là trả đủ tất cả các loại tiền công cho học viên. Vấn đề ở đây không phải chỉ thuần tuý là tiền, mà quan trọng hơn là sự đồng thuận của thân nhân, thân nhân và học viên nhận thấy ở đây tốt hơn ở nhà và có sự sòng phẳng, rõ ràng, không lợi dụng, chiếm dụng công sức của người khác! Từ đó đã xây dựng nên lòng tin, tinh thần tự giác, tự nguyện thực hiện qui chế kể cả đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc.

Thành tâm sự trong niềm xúc động: “Vui lắm! Có nhiều tay vốn là anh hùng hảo hớn trên giang hồ, nay giúp bọn em rất tốt trong  công việc quản lý điều hành hàng ngày. Em cũng vui vì phương pháp của mình áp dụng đã đem lại thành công,  số lượng học viên tự nguyện ngày càng đông, không chỉ trong tỉnh mà còn có người ngoài tỉnh, kể cả một số gia đình ở ngoài Bắc cũng đưa con em vào đây xin được cai nghiện tự nguyện”.

Không thiếu những lời cám ơn chân thành, cảm động của học viên và của gia đình họ, nhưng cũng không phải không có lúc căng thẳng, hiểm nguy đe doạ đến tính mạng. Một trong những mẩu chuyện điển hình đó là đã có lúc một học viên biết mình bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, anh ta nổi loạn đập vỡ kính cắt máu tấn công mọi người. Anh em bảo vệ phải chuẩn bị dùng biện pháp mạnh trấn áp nhưng  Thành bảo mọi người bình tĩnh tránh ra, một mình anh đối diện với đối tượng nói chuyện phải trái với nhau. Lúc đầu anh ta xưng hô ông và tôi với giám đốc nhưng sau một lúc nói chuyện với thái độ thân tình, tôn trọng đối tượng nhưng nghiêm nghị của Thành, anh ta dịu lại và bắt đầu gọi thầy xưng em. Thành đã thu phục được nhiều trường hợp tương tự như thế!

Nhiều thế hệ học viên cai nghiện đến rồi đi, nhiều  người cai nghiện tốt ra về nhưng thiếu bản lĩnh lại tái nghiện rồi nhiễm HIV và gục ngã! Thật vui sao khi nghe có nhiều người trở về hoà nhập tốt với cộng đồng có cuộc sống bình an hạnh phúc, có người sau cai nghiện chí thú làm ăn và thành đạt trong đời. Anh H đã trở thành chủ một khách sạn có uy tín ở Đà Lạt, 2 học viên khác mãn khoá vào năm 2009 nay đã là những doanh nhân sáng giá ở Bảo Lộc. Và còn nhiều hơn như thế nữa…

Tất cả họ, những con nghiện một thời sau khi trở về dù đang ra sao thì mỗi lần có dịp là thường ghé về thăm lại Trung tâm nơi họ có nhiều kỉ niệm buồn vui. Họ và thân nhân đều chung một tâm sự rằng: Nơi này, họ đã gửi gắm lòng tin!

Ghi chép: TRỌNG NGUYỄN