Sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm

05:11, 21/11/2012

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, nước ta đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại một bước quan trọng, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển KT – XH, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu của quốc phòng, an ninh.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, nước ta đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại một bước quan trọng, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển KT – XH, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu của quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, theo kết luận của BCHTW vào cuối tháng 10 vừa qua cho thấy: việc sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị doanh nghiệp nhiều yếu kém, hiệu quả thấp. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa rõ; thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước. Mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn hạn chế.

Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của đất nước theo định hướng XHCN. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo những quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước và chịu sự chi phối, giám sát toàn diện của chủ sở hữu là Nhà nước. Đồng thời, quan điểm của Đảng là doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục được sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng. Những doanh nghiệp nhà nước có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp để đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các doanh nghiệp khác. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước.

Xuất phát từ thực trạng và quan điểm trên, một trong số những định hướng quan trọng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới là: Kiên quyết điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực: an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp có sức lan toả cao. Sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước. Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước gắn với mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp nhà nước phải được tổ chức lại theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của pháp luật; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán.

 Để thực hiện việc này, thời gian tới cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải đổi mới quy trình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là nhân sự chủ tịch và tổng giám đốc.

BÌNH NGUYÊN