Thạc sĩ Ka Sum thành công và trăn trở

03:11, 08/11/2012

Thạc sĩ - bác sĩ Ka Sum đang công tác tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng. Quá trình trưởng thành của chị là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ không ngại vượt khó vươn lên.

Thạc sĩ - bác sĩ Ka Sum đang công tác tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Lâm Đồng. Quá trình trưởng thành của chị là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ không ngại vượt khó vươn lên.

Ka Sum nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ
Ka Sum (thứ 3 từ trái qua) nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ


Naria Ka Sum sinh năm 1966 ở thôn M’Răng - xã Lạc Lâm (Đơn Dương). Chị học chính quy tại Đại học Y Tây Nguyên, tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa Nội - Nhi - Nhiễm năm 1994, về công tác tại Khoa Sốt rét của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Phòng Giáo dục sức khỏe chuyên dịch tiếng K’Ho mảng y tế thôn bản. Không dừng lại ở đó, Ka Sum tiếp tục học cao học ở Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, năm 2009 chị nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài “Đánh giá thực trạng sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện”. Chị được Sở Y tế thưởng 10 triệu đồng về thành tích học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

PV: Ka Sum thật may mắn để theo đuổi con đường học vấn và thành công với công việc phù hợp?

BS Ka Sum: Ka Sum may mắn có được người bố tuyệt vời. Ông là nguồn động viên lớn cho Ka Sum vượt mọi khó khăn để đạt được ước mơ thành bác sĩ. Ông mồ côi gia đình từ nhỏ, được một linh mục người Pháp ở Di Linh nuôi ăn học thành một cán sự điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho bà con, đỡ đẻ cho nhiều phụ nữ ở buôn làng. Ông luôn khuyến khích các con đi học với ý chí dù nghèo vẫn cho con đi học để có học vấn tốt.

PV: Ka Sum đã vượt khó như thế nào để thành bác sĩ?

BS Ka Sum: Mình phải vượt qua nhiều khó khăn với ước mơ hoài bão mạnh mẽ: không bao giờ bỏ học! Là chị cả của 6 đứa em, từ nhỏ mình cõng em oằn vai,mình phải vất vả cực nhọc còng lưng làm ruộng thay mẹ. Mẹ bị bệnh thận và đau dạ dày kéo dài, bố phải bán xe máy và tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà để chữa bệnh cho mẹ. Khi mình học năm cuối lớp 12, còn 1 tuần nữa thi tốt nghiệp thì mẹ mất, 4 đứa em đồng loạt nghỉ học, mình cố gắng vượt qua nỗi đau để đi thi. Thời bao cấp đi học rất vất vả, thiếu ăn, thiếu mặc, mình thắp đèn dầu mà học, đi bộ 5-6 cây số để đến trường, khi Ka Sumhọc cao học ở Hà Nội được dự án ADB hỗ trợ tiền ăn và ở trọ 1 triệuđồng/tháng.

67 nữ sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó  khăn

Hiện Lâm Đồng có 67 nữ sinh viên là con em các dân tộc: K’Ho, Cil, Châu Mạ,Tày, Nùng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.Trong đó nhiều nhất ở Lâm Hà 25 em và Đạ Tẻh 23 em, hơn 20 trường hợp học đại học, cao đẳng ở Đà Lạt. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn do thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có đông anh chị em học đại học,mồ côi. Kết quả này do Hội Phụ nữ Lâm Đồng khảo sát lập danh sách theosự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam để triển khai chương trình học bổng cho nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo hiếu học.

PV: Luận án Thạc sĩ nghiên cứu về bảo hiểm y tế tự nguyện, chị có thể cho biết kết quả đề tài nghiên cứu?
 
BS Ka Sum: Nghiên cứu đưa ra nhóm giải pháp muốn thu hút được người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, thì các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt việc cải thiện, sửa đổi các thủ tục hành chính trong việc đăng ký tham gia bảo hiểm, thủ tục quyết toán BHYT. Tăng cường đội ngũ bác sĩ tuyến trên về tuyến cơ sở và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tuyến cơsở. Đảm bảo trang thiết bị y tế thông thường và thuốc tại các trạm y tế để thu hút người có thẻ đến khám chữa bệnh nhằm mục đích giảm tải bệnh nhân ở tuyến trên và rút ngắn thời gian chờ đợi. Nâng cao nhận thức của người dân về BHYT, điều này đòi hỏi các cơ quan ban hành chính sách,cũng như địa phương và cơ sở cần phối hợp hiệu quả trong tuyên truyền đến người dân và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền phù hợp để cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHYT.

PV: Với trình độ học vấn cao và với phong tục tập quán của đồng bào mình, KaSum thấy việc kết hôn có trở ngại gì không?

BS Ka Sum: Mình nghĩ trình độ cao không gây khó khăn để lập gia đình. Nếu mình thương ai thấy hợp thì lấy họ chứ không chỉ lấy người cùng dân tộc mình. Xưaquan niệm “đặt đâu ngồi đó”, giờ các bạn trẻ tìm hiểu nhau trước nhưng vẫn giữ tục lệ mẫu hệ bắt chồng, có đổi mới hơn trước trong việc thách cưới và của hồi môn tuÿ từng vùng có giảm hơn. Bà con dân tộc K’Ho ở Đơn Dương đã bỏ đến 90% tập tục thách cưới, bây giờ nhà gái nộp cho nhà trai 1-2 chỉ vàng. Nhà Ka Sum có 3 em trai lập gia đình, nhưng không quan trọng của hồi môn đàng vợ nhà nó, quan trọng là chúng nó thương nhau, của hồi môn là tạo ít vốn ban đầu để trang trải cuộc sống mới. Nhưng tôi biết tục lệ thách cưới ở vùng Di Linh còn nặng, chẳng hạn như nhà gái phải đi cho bố, mẹ, cậu nhà trai 1 con trâu, 2 cây vàng, 5 cái ui, còn tuÿ theo dòng họ lớn nhỏ, nhà gái phải đi cho nhà trai nào anh chị em, cô dì, vai lớn vai nhỏ phải nộp bằng số tiền rất lớn.

PV:Công việc hiện tại với chị đã thỏa niềm mong ước làm bác sĩ?

BS Ka Sum: Nhiều năm đi làm, mình vẫn ở trọ trong căn phòng 8m2, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, Ka Sum làm thêm để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống, lo cho bố và em út. Ka Sum ước gì làm ra nhiều tiền hơn để mua một căn nhà ở Đà Lạt, báo hiếu gia đình, giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học và đặc biệt giúp cho cộng đồng có một sức khỏe tối ưu. Công việc hiện tại Ka Sum làm cán bộ truyền thông giáo dục sức khỏe cũng nhẹ nhàng. Nếu mình có điều kiện để đi sâu chuyên môn như: nghiên cứu khoa học, làm các dự án về lĩnh vực y tế công cộng, tham gia giảng dạy sẽ phát huy hết khả năng của mình. Trong thực tế hệ thống y tế vẫn còn nặng về điều trị hơn dự phòng,chưa coi trọng đúng mức y tế công cộng, do đó cuộc sống của bác sĩ làm y tế dự phòng còn nhiều khó khăn.

DIỆU HIỀN