Trường THCS và THPT Lộc Bắc đã làm nên những thành tích “kỳ diệu” với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Có được điều đó, bởi ở nơi đây có những cán bộ, giáo viên biết vượt khó, mang trí thức đến cho con em đồng bào DTTS vùng sâu.
Nói đến Lộc Bắc, Lộc Bảo là nói đến vùng căn cứ cách mạng, là địa phương được phong tặng danh hiệu anh hùng trong kháng chiến, nhưng trong thời bình là địa phương đặc biệt khó khăn, với gần 100% dân số là đồng bào DTTS, mặt bằng dân trí thấp, đời sống vật chất, tinh thần còn vô vàn thiếu thốn. Vì lẽ đó, lo cho cái ăn, cái mặc đã là chuyện khó, lo cho cái chữ, cái kiến thức lại càng khó gấp bội phần, bởi việc huy động con em đến trường đến lớp và thu hút cán bộ, giáo viên đến gắn bó với địa phương công tác là điều chẳng chút dễ dàng. Ấy vậy mà, dù chưa “bằng anh, bằng chị”, nhưng Trường THCS và THPT Lộc Bắc đã làm nên những thành tích “kỳ diệu” với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Có được điều đó, bởi ở nơi đây có những cán bộ, giáo viên biết vượt khó, mang trí thức đến cho con em đồng bào DTTS vùng sâu.
Một giờ học của một lớp học ở Trường THCS-THPT Lộc Bắc |
Trường THCS và THPT Lộc Bắc được thành lập năm 2006 trên cơ sở nền tảng của Trường THCS Lộc Bắc, nhằm tạo điều kiện cho học sinh THPT 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo khỏi phải “cơm đùm, gạo bới” vượt quãng đường xa trên 35 km ra trung tâm huyện Bảo Lâm học tập trong bối cảnh gia đình còn phải chạy từng bữa ăn. Hai nỗi lo lớn khi trường được thành lập là làm sao thu hút được cán bộ, giáo viên về trường gắn bó công tác và duy trì sĩ số học sinh, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, nếu giáo viên thiếu tâm huyết với nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, còn học sinh “yêu cái chữ, không bằng yêu nương, rẫy”. Nỗi lo đó, cũng dần qua đi, khi nhà trường có được đội ngũ cán bộ, giáo viên thực sự yêu nghề, mến học sinh với cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm cao.
Thầy giáo Trần Sỹ Huỳnh - Hiệu phó nhà trường cho biết: Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường có 34 người, trong đó cán bộ quản lý 2 người (Hiệu trưởng, hiệu phó), 27 giáo viên đều ở độ tuổi 30 trở xuống. Do đó, tuy hầu hết mọi người đều có gia đình cách xa trường hàng trăm km, phải ở nhà công cộng của trường, ăn uống, sinh hoạt đều gặp không ít khó khăn, do Lộc Bắc là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có điều kiện ĐBKK, nhưng nhờ có lòng say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với sự động viên, khuyến khích của ngành, của BGH nhà trường và cách tổ chức dạy và học hợp lý, khoa học, nên cán bộ, giáo viên của trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ mang tri thức đến cho con em đồng bào DTTS. Theo đó, ngoài việc động viên giáo viên tự học để nâng cao trình độ chuyên môn dưới hình thức tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ do Sở GD-ĐT tổ chức, truy cập thông tin trên mạng, bổ sung kiến thức qua sách, báo... BGH trường sắp xếp bố trí lịch lên lớp khoa học, thường xuyên kiểm tra, dự giờ, đánh giá tiết học, lớp học, tổ chức thao giảng rút kinh nghiệm. Cùng với đó, việc trang bị 2 phòng máy được kết nối cáp quang tốc độ cao và trang bị máy chiếu cho các phòng học đã tạo điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học như thiết kế giáo án điện tử bằng Projecter, sử dụng bảng tương tác thông minh... góp phần nâng cao chất lượng bài giảng của giáo viên và tăng sức hấp dẫn giờ học đối với học sinh.
Bên cạnh đó, BGH trường cũng đã tổ chức tốt việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kết hợp với cuộc vận động “Mọi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi nhầm lớp, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng say mê nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ giáo viên tại trường. Đặc biệt, với với việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và với quan điểm “tất cả vì học sinh thân yêu”, BGH đã chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường duy trì thường xuyên những hoạt động ngoài giờ để xây dựng cảnh quan nhà trường xanh-sạch-đẹp, trở thành nơi học tập, vui chơi lành mạnh, hấp dẫn, bổ ích cho học sinh. Mặt khác, BGH cũng chỉ đạo các tổ bộ môn, các giáo viên tổ chức tốt việc phù đạo trái giờ (sáng - chiều) tại trường không thu học phí, bồi dưỡng cho những học sinh có học lực yếu. Riêng đối với học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12, thường xuyên từ tháng 7 đến hết năm học đều được phụ đạo thêm các buổi học ngoài giờ để bổ sung, trau dồi kiến thức thi tốt nghiệp.
Bằng cách làm đó, tỷ lệ lên lớp và thi đỗ tốt nghiệp của Trường THCS và THPT Lộc Bắc không ngừng được nâng lên qua hàng năm, đặc biệt trong năm học 2011-2012 đạt tỷ lệ 100%. Vấn đề khó khăn nhất đối với trường là duy trì sĩ số học sinh, bởi với con em đồng bào DTTS, nhất là ở lứa tuổi đã có sức lao động, phụ huynh và ngay cả bản thân các em học sinh cũng có tâm lý muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nương rẫy, hoặc vào rừng hái hạt ươi đem bán, hoặc làm thuê cho các DN để có tiền tiêu xài. Nắm bắt được điều đó, BGH đã động viên các giáo viên phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương và chủ động sớm, khuya đến từng nhà có học sinh nghỉ học vận động, thuyết phục học sinh quay trở lại trường. Tuy đây là việc làm không đơn giản, nhưng với sự kiên trì, khôn khéo của các giáo viên, BGH nhà trường, nên kết quả của việc duy trì sĩ số học sinh của Trường THCS và THPT Lộc Bắc đạt kết quả khả quan, với tỷ lệ hàng năm trên 90%. Đặc biệt, trong năm học 2011-2012, trong tổng số 382 học sinh hai cấp của trường (Năm học 2012-2013 được nâng lên 437 học sinh, trong đó THCS 303 học sinh, THPT 134 học sinh) chỉ có 35 học sinh bỏ học, đạt tỷ lệ duy trì sĩ số 91%.
Khách quan đánh giá, tuy chưa thể bằng các trường học khác ở các trung tâm huyện, TP vì chưa có học sinh giỏi các cấp, nhưng với việc “bám trụ” ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK để truyền đạt tri thức cho con em đồng bào DTTS và đạt được những kết quả khả quan như vừa nói đã là sự ghi nhận đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường THCS và THPT Lộc Bắc. Vì vậy, không nói quá nếu cho rằng: Chính họ là những người gieo mầm tri thức cho những con người khốn khó vươn lên làm chủ tương lai của cuộc sống phồn vinh trong nay mai!
Hoàng Kiến Giang