Nam Ban hành trình đến danh hiệu thị trấn văn hoá

03:11, 27/11/2012

Trên cơ sở các khu phố đăng ký và được công nhận khu phố văn hoá, cách đây 5 năm, vào ngày 26/10/2007 thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) phát động xây dựng thị trấn văn hoá. Việc bình xét và công nhận gia đình văn hoá được ban vận động khu phố và ban chỉ đạo thị trấn thực hiện nghiêm túc, được mọi hộ dân thi đua và giám sát theo quy chế dân chủ.

Trên cơ sở các khu phố đăng ký và được công nhận khu phố văn hoá, cách đây 5 năm, vào ngày 26/10/2007 thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) phát động xây dựng thị trấn văn hoá. Việc bình xét và công nhận gia đình văn hoá được ban vận động khu phố và ban chỉ đạo thị trấn thực hiện nghiêm túc, được mọi hộ dân thi đua và giám sát theo quy chế dân chủ.

Nếu gia đình nào có người vi phạm luật giao thông, nợ thuế, vi phạm quy ước cộng đồng… thì dù là cán bộ, đảng viên cũng không được công nhận gia đình văn hoá. Do đó, số lượng GĐVH hàng năm tăng, giảm theo thực chất, chất lượng phong trào thực sự được nâng lên. Cụ thể, năm 2007, thị trấn có 2.215/2.672 hộ được công nhận GĐVH (83%); năm 2008 có 1.918 hộ đạt danh hiệu GĐVH (71%); năm 2011 có 2.181/2.515 hộ đạt GĐVH (87%); năm 2012, có 2.313/2.585 hộ đạt GĐVH (89,5%). Thay vì trước đây được công nhận văn hoá hay không cũng chẳng sao, thì bây giờ điều đó còn là danh dự, không được công nhận gia đình văn hoá là một nỗi buồn. Bình xét xong rồi, vẫn còn thắc mắc, kiến nghị, xem xét lại… đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Từ đó, mọi hoạt động cộng đồng đều được nhân dân hưởng ứng, mọi quy ước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đều được tự giác thực hiện, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, láng giềng thân thiện, hạn chế các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Cũng từ đó, pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân dân để nhân dân hiểu và thực hiện. Công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng quy ước văn hoá và các khoản đóng góp đều được đưa ra lấy ý kiến thống nhất, không có khu phố nào vi phạm quy chế dân chủ, tất cả mọi vấn đề đều công khai trước dân. 15/15 khu phố đạt danh hiệu văn hoá, 8/8 cơ quan trường học đạt danh hiệu văn hoá.

Người dân thị trấn Nam Ban ngày càng ý thức sâu sắc về sự gắn liền giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống văn hoá. Lo cái ăn cái mặc ăn không còn là vấn đề khó, thì lo cho nhân dân được vui chơi, giải trí đã trở nên quan trọng: chơi gì, chơi ở đâu, chơi thế nào cho an toàn. Vì vậy, hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hoá không ngừng được hoàn thiện (dưới sự hỗ trợ không nhỏ của thành phố Hà Nội). Nhà văn hoá 10/10 không ngừng phát huy hiệu quả là một nơi hội họp, mitting kỷ niệm, tổ chức liên hoan văn nghệ. Trung tâm Văn hoá thể thao Nam Ban với hệ thống nhà thi đấu, sân vận động, sân tennis, bể bơi được xây dựng với số vốn đầu tư 22 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn một (nhà thi đấu) đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, thu hút đông đảo thanh thiếu niên đến luyện tập TDTT vào các buổi chiều. Thị trấn có 3 sân vận động, 3 CLB thể thao thường xuyên luyện tập và thi đấu (CLB võ thuật, cờ tướng, bóng bàn), 15 đội văn nghệ quần chúng ở các khu phố, CLB thơ, CLB dân ca quan họ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đã có 15/15 khu phố có nhà sinh hoạt cộng đồng (đến nay đã tách thành 20 tổ dân phố). Hàng năm, ở các tổ dân phố đều tổ chức liên hoan văn nghệ vào 2 ngày: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 18/11. Đặc biệt, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc vừa qua, cả 20/20 tổ dân phố đã tổ chức gặp mặt với nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ sôi nổi, tôn vinh gia đình hiếu học, gia đình văn hoá tiêu biểu…
 
Mặc dù, luôn quan tâm đến công tác gia đình, coi xây dựng đời sống văn hoá phải đi trước một bước, song việc nâng cao mức sống, tăng thu nhập cho nhân dân vẫn là mục tiêu phấn đấu thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền thị trấn Nam Ban. Với 2 loại cây trồng chính là cà phê và dâu tằm, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình không ngừng được đẩy mạnh và là một bộ phận của phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm: Từ 11,43 triệu đồng/người (năm 2007), lên 20,11 triệu đồng/người (2010) và đến nay là 25 triệu đồng/người. Đói nghèo cũng được đẩy lùi: Năm 2008 thị trấn có 143 hộ nghèo theo tiêu chí cũ (5,3%) thì năm 2010 còn 94 hộ nghèo, không có hộ đói, và đến nay số hộ nghèo giảm còn 5,1% theo tiêu chí mới. Thực hiện phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát, từ năm 2004 đến nay, nhân nhân thị trấn đã quyên góp ủng hộ xây dựng được 78 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách.

Để xây dựng thành công thị trấn văn hoá đã khó, giữ vững danh hiệu càng khó hơn.  Không ngừng quyết tâm, phong trào xây dựng và giữ vững danh hiệu thị trấn văn hoá vẫn đang là phong trào mạnh mẽ như một nét son tô điểm cho vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng thêm giàu đẹp.

QUỲNH UYỂN