CLB dân ca Tân Hà: Hết lòng vì nghệ thuật truyền thống

03:11, 15/11/2012

Trên quê mới Tân Hà những ngày đầu mở đất với bao nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, ai cũng chỉ nghĩ đến làm sao cho cuộc sống được no cơm ấm áo. Ấy nhưng, trong lòng những người con xứ Đoài (2 huyện Thạch Thất, Phúc Thọ tỉnh Hà Tây cũ) xa quê cha đất tổ, vẫn có những buổi chiều da diết nhớ, đầy rẫy nỗi niềm...

Trên quê mới Tân Hà những ngày đầu mở đất với bao nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, ai cũng chỉ nghĩ đến làm sao cho cuộc sống được no cơm ấm áo. Ấy nhưng, trong lòng những người con xứ Đoài (2 huyện Thạch Thất, Phúc Thọ tỉnh Hà Tây cũ) xa quê cha đất tổ, vẫn có những buổi chiều da diết nhớ, đầy rẫy nỗi niềm. Để rồi bỗng một ngày cách đây hơn 2 năm, khi vật chất đã đủ đầy, “máu chèo” trỗi dậy, ông Nguyễn Đăng Chấn tập hợp những người có khả năng hát chèo, hát dân ca, biết sáng tác thơ phú, hình thành nên một CLB. Mới đầu CLB chỉ có vài người, dần dần quy tụ được 25 nghệ nhân. Tháng đôi lần họ tập hợp lại ngâm đọc thơ cho nhau nghe, luyện tập hát chèo, hát dân ca, hát quan họ. Thành viên của CLB tuổi đời từ 40 đến 70, nhưng niềm đam mê thì không nguội lạnh. Các thành viên trong CLB cùng gom góp tiền mua trang phục, nhạc cụ để hoạt động. Mỗi lần cùng nhau tập luyện, họ lại tự góp tiền ăn trưa.

Một buổi luyện tập hát chèo của CLB dân ca Tân Hà
Một buổi luyện tập hát chèo của CLB dân ca Tân Hà


“Chào đón i… xuân i…í… về, quê ta đó khắp i… nơi i…/ Trai gái hân hoan i…i… đào vừa nảy lộc ngát i… hương thơm nồng ì…í…i…i…/ Muôn ngàn đài hoa kính dâng lên Đảng, kính dâng lên Người i…”. Đây là lời bài hát “Lời ca dâng Đảng, mừng Xuân” theo điệu luyện năm cung do chị Thanh Thưởng thành viên của CLB sáng tác. Chị Thưởng là "cây" sáng tác chủ lực của CLB với “vốn liếng” lên tới vài chục bài. Các sáng tác của chị đem ra dàn dựng, trong lúc tập luyện cả đội lại vừa cùng nhau đóng góp ý kiến tập trung trí tuệ thành sản phẩm tự biên tự diễn chung của tập thể. Từ những vườn cà phê trĩu quả, ánh sáng dòng điện, công sức con người dựng xây quê mới, con đường đi lên, sự ấm no, ơn Đảng, lòng dân… đều trở thành nguồn cảm hứng đi vào các làn điệu chèo, làm cho các tiết mục của CLB trở nên gần gũi với cuộc sống đương đại. Chị Thưởng kể, từ khi còn rất nhỏ, sau giờ học chị đã ghé vào những chiếu chèo trong làng, nghe hát rồi hát theo, không học mà thuộc hết các làn điệu chèo cổ. Cách đây 30 năm, chưa kịp lớn, chị đã theo cha mẹ vào Tân Hà mang theo các làn điệu chèo và cả khả năng diễn các vai hề áo ngắn sinh động, gây cười. Chú Xuân Phú đã xấp xỉ 70 tuổi, một thời tiếng sáo trúc của chú bên bờ đê sông Hồng làm ngất ngây bao cô gái, thì nay vẫn tiếng sáo trúc ấn tượng ấy làm nên vị say cho CLB. Tay trống Mạnh Cai cầm chầu giữ nhịp khá vững làm xương sống của các điệu luyến láy. Chú Xuân Phấn kéo nhị, Minh Thiết đàn bầu, tạo nên âm hưởng réo rắt quyện vào từng lời hát, điệu múa. Cùng với những câu hát ngọt ngào, say đắm của các làn điệu chèo, tạo nên một không khí đậm hương sắc khiến ai xa quê cũng rạo rực nhớ. Không chỉ những người cao tuổi, mà cả trẻ con trong xã cũng như bị tiếng trống chèo cuốn hút. Chỉ nghe những âm thanh quen thuộc vọng ra từ nhà văn hoá, hết giờ tan học là chúng tập trung vây kín và cũng lẩm nhẩm hát theo.

Bên cạnh hát chèo, các thành viên trong CLB còn tích cực tham gia sưu tầm, viết lời mới và luyện tập các làn điệu dân ca của mọi miền đất nước, các làn điệu dân ca quan họ. Các tiết mục tự biên tự diễn phản ánh sinh động cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời phê phán thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, niềm tự hào về sức mạnh con người làm cho một vùng rừng núi hoang vu đổi thay. Bên cạnh những cái tên, những giọng chèo mượt mà được nhiều bà con mến mộ như: Minh Nguyệt, Mai Loan, Thanh Toan, Thanh Thưởng, Kiều Lý, Phương Xây, Duy Thái, Mạnh Cai, Minh Hiền, Vũ Xuân Phấn, Minh Thiết, Xuân Phú; còn có những giọng hát dân ca ngọt ngào như: Nguyễn Thị Hà, Lương Thị Quế, Phạm Văn Phương, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thu Hoà, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Quang Vượng… Ngày lo làm ăn buôn bán, chăm sóc, thu hái cà phê, đến tối sinh hoạt CLB, họ lại hoá thân thành những nhân vật, những chàng trai cô gái quần áo mớ ba mớ bảy đầy đam mê. Tiếng gõ nhịp quện vào tiếng hát mượt mà, lay động biết bao trái tim sinh ra từ vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ. Những giây phút hứng khởi thăng hoa trên sân khấu làm cho cả người hát và người xem, người nghe đều thêm yêu cuộc sống, như được động viên, khích lệ, để khi trở về với cuộc sống đời thường, họ thêm tinh thần hăng say lao động sản xuất.

Anh Trần Tuynh - Trưởng ban văn hoá xã Tân Hà cho biết: Với ngọn lửa đam mê, các nghệ nhân đã hăng say luyện tập tổ chức nhiều buổi biểu diễn cây nhà lá vườn phục vụ bà con vào các sự kiện chính trị, phục vụ hội nghị, đại hội, tham gia hội diễn ở huyện. CLB không chỉ góp phần gìn giữ giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong xã, mà đồng thời tiếp thêm sức mạnh để dựng xây quê mới ngày càng phồn thịnh.

QUỲNH UYỂN