Yêu trẻ bằng cả tấm lòng

03:11, 24/11/2012

15 năm là giáo viên, 7 năm làm công tác quản lý, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 Đà Lạt, cô giáo Trần Thị Thảo là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của cấp học Mầm non Đà Lạt.

Cô giáo Trần Thị Thảo
Cô giáo Trần Thị Thảo

15 năm là giáo viên, 7 năm làm công tác quản lý, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 Đà Lạt, cô giáo Trần Thị Thảo là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của cấp học Mầm non Đà Lạt.

 Sinh năm 1976, quê ở Hải Phòng, nhưng cô giáo Trần Thị Thảo tự coi mình là người Đà Lạt, vì từ nhỏ đã cùng cha mẹ vào sinh sống tại thành phố hoa. Tuổi thơ của cô gắn liền với ngôi trường Mầm non 9, nơi không cách xa nhà cô bao nhiêu. Ấn tượng buổi đầu còn mãi với cô là sự dịu dàng, là tình thương yêu của các cô giáo trong lớp dành cho học trò thuở đó. Đó cũng là lý do để cô chọn nghề sau này. Hoàn tất bậc phổ thông, cô chọn thi vào lớp mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt: cô muốn trở thành một cô giáo mầm non. Đặc biệt, khi tốt nghiệp cô lại được nhận về công tác ngay chính tại ngôi trường mình đã học ngày còn nhỏ.

Cũng đi dạy như mọi giáo viên khác, nhưng là giáo viên mầm non, theo cô Thảo, là cực nhất. Kiên nhẫn, chăm chỉ, chịu khó, làm việc hầu như chẳng có giờ giấc gì: sáng đến lớp sớm, chiều đợi cha mẹ đón hết các cháu mới về nhà. Còn cả ngày là một núi việc, toàn những việc vô danh, nhưng rất cực, không chỉ là dạy các cháu học mà còn lo cho các cháu ăn, ngủ; cháu nào sốt phải chăm sóc nếu không gọi được phụ huynh. “Nuôi một đứa con ở lứa tuổi hiếu động sẽ thấy cực như thế nào, còn đây là cả một lớp. Lúc đầu cũng thấy hoảng nhưng rồi quen dần” - cô Thảo kể. Các cháu khi quen lại rất thương cô, vâng lời, việc gì cũng hồn nhiên đến nói cho cô nghe. Nhưng áp lực nhất lại đến từ phía các bậc phụ huynh. Con ít, nhiều gia đình quá chiều chuộng, chỉ một sơ sẩy nhỏ như bạn trong lớp cào cấu nhau cũng đến trường gây áp lực với Ban giám hiệu. “Các cô giáo rất cần sự thông cảm, chia sẻ, động viên từ phía gia đình các cháu để làm tốt công việc hằng ngày của mình”.

Là Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng của Mầm non 9, ngôi trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2006, với khuôn viên cây xanh hoa cỏ sân chơi rất đẹp của Đà Lạt, theo cô Thảo trách nhiệm của trường là phải giữ gìn, chăm sóc tôn tạo cảnh quan để trường ngày càng đẹp hơn, tạo một sân chơi thân thiện vui tươi cho các cháu thích đến trường, học mà chơi, chơi mà học. Nhà trường lâu nay phát động ngày chủ nhật xanh trong mỗi tháng, huy động toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên cùng nhau chăm sóc cây cảnh, trồng thêm hoa trong trường, vận động phụ huynh đóng góp thêm công sức.

Nhưng với tư cách là hiệu trưởng, cô Thảo quan tâm nhất vẫn là việc nâng cao chất lượng của trường. Với 27 giáo viên đang công tác, 540 học sinh đang theo học, nhà trường thông qua các buổi sinh hoạt nghiệp vụ hằng tháng để bồi dưỡng chuyên môn cho các cô giáo đứng lớp, yêu cầu các giáo viên tự học, tạo điều kiện để mọi người cùng nâng cao trình độ, chú trọng xây dựng một đội ngũ giáo viên giỏi để nâng chất lượng dạy, chăm sóc trẻ, hướng đến phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho các cháu. Hiện nay, cán bộ, giáo viên của trường đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó 86,7% đã đạt trên chuẩn.

Là lãnh đạo, cô Thảo luôn tự nhủ bản thân mình phải gương mẫu trước mọi người, việc gì khó phải nêu gương làm trước. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cô còn có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ, giữ vững nề nếp kỷ cương đạo đức trong trường. Trong nhiệm kỳ hiệu trưởng của mình, cô Thảo đã góp phần không nhỏ để đưa trường tiếp tục phát triển trong nhiều mặt. Mầm non 9 cho đến nay vẫn luôn là một lá cờ đầu của Giáo dục Mầm non thành phố Đà Lạt, là trường học tiên tiến xuất sắc, có công đoàn vững mạnh xuất sắc, hằng năm tỷ lệ giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua đều tăng hơn năm học trước (có đến 14 giáo viên giỏi trong năm học vừa qua).

Là một trong những chiến sỹ thi đua tiêu biểu trong ngành giáo dục của tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong 3 năm học từ 2009-2011, nhưng theo cô Thảo, đây là thành tích chung của trường và điểm thành công nhất là đã tạo ra được sự đoàn kết gắn bó trong toàn tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên cho mục tiêu chung. Mặc dù lương giáo viên mầm non hiện vẫn còn thấp, công việc còn cực nhọc, nhưng nhà trường đang cố gắng tạo một môi trường thuận lợi nhất cho các giáo viên làm việc, động viên mọi người cùng làm tốt công việc của mình, tất cả vì học sinh yêu thương. “Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy dạy trẻ, thương yêu trẻ bằng cả tấm lòng thì các cháu sẽ lại thương yêu mình”.

GIA KHÁNH