Năm 2004, xã Đạ R’Sal vẫn còn thuộc diện xã nghèo của huyện Lâm Hà (nay thuộc huyện Đam Rông), sản xuất chủ yếu vẫn thuần nông, kinh tế không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp vô cùng khó khăn, thiếu thốn...
Năm 2004, xã Đạ R’Sal vẫn còn thuộc diện xã nghèo của huyện Lâm Hà (nay thuộc huyện Đam Rông), sản xuất chủ yếu vẫn thuần nông, kinh tế không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Điện - đường - trường - trạm hầu như chưa có gì, nhưng bức xúc nhất vẫn là trường học cho các cháu trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo không có, cha mẹ của các cháu không chỉ ở trên địa bàn xã Đạ R’Sal, mà còn cả những xã giáp ranh của huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc phải “đầu tắt mặt tối” trên ruộng đồng để mưu sinh, nhưng không biết gửi con kiếm tìm cái chữ nơi nào. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người dân và không muốn các “chồi non” lớn lên không được uốn nắn, dạy dỗ từ đầu, nên khi được chính quyền địa phương và ngành giáo dục động viên, khuyến khích, với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, chị Trần Thị Luyến đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng cơ sở mầm non tư thục (CSMNTT) Hà Nam ngay trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của gia đình.
Cơ sở xây dựng xong, ngành giáo dục hỗ trợ 10 bộ bàn ghế học sinh, chị Luyến đầu tư kinh phí mua sắm thêm bàn ghế, dụng cụ vui chơi, ăn uống của học sinh và thuê giáo viên được đào tạo ngành sư phạm mẫu giáo về đứng lớp. Thế là năm học đầu tiên xã Đạ R’Sal có CSMNTT đứng chân bên cầu K’Rông Nô và cũng là năm đầu tiên người dân xung quanh khu vực cầu K’Rông Nô giảm được nỗi lo không biết gửi con ăn học, vui chơi ở đâu để vật lộn với kế sinh nhai đầy vất vả. Kể từ đó, ngày hai buổi, CSMNTT của chị Luyến đón, đưa các cháu đến trường và trả về nhà cho bố mẹ của các cháu không định sẵn thời gian, bởi lẽ: Hầu hết người dân trên địa bàn đều làm nông, việc đi sớm về muộn phụ thuộc vào công việc đồng áng, nên có nhiều trường hợp phụ huynh đưa các cháu đến lớp từ lúc tờ mờ sáng và cũng có không ít trường hợp các cháu đến lớp 7-8 giờ sáng, nhưng mãi đến 6-7 giờ tối các cháu mới được bố mẹ đến đón về nhà. Việc nuôi dạy các cháu không theo một giờ giấc nhất định đã đành, việc đóng học phí để chi phí bữa ăn chính, ăn phụ và trả tiền lương cho giáo viên (trước đây 400.000-500.000 đồng/cháu/tháng, nay 600.000 đồng/cháu/tháng) cũng hết sức bất thường, bởi phụ thuộc vào thu nhập thời vụ của phụ huynh học sinh, chẳng hạn: Có phụ huynh nộp học phí vào đầu tháng, nhưng cũng có phụ huynh nộp vào giữa tháng, cuối tháng, thậm chí có không ít trường hợp nợ tháng này qua tháng nọ, năm này đến năm kia. Cá biệt, có phụ huynh gửi con học mầm non, mẫu giáo tại cơ sở, nay con đã học lên lớp 4 vẫn còn nợ học phí. Người dạy thông cảm hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh, còn phụ huynh thì có tâm lý có lúc nào trả lúc đó cũng chẳng sao, vì đều là người địa phương với nhau cả. Trong cái khó đó, cả người dạy, lẫn người có con em ăn học tại cơ sở đều cảm thông, chia sẻ khó khăn với nhau, để rồi như con đò tiễn đưa biết bao thế hệ trẻ nhỏ qua sông trên dặm đường dài tìm con chữ và kiến thức, hướng đến mục đích cuối cùng là thoát được đói nghèo, nhờ có tri thức.
Các cháu mẫu giáo, mầm non được vui chơi, học tập tại cơ sở mầm non tư thục Hà Nam |
Ngồi tâm sự cùng chúng tôi, chị Trần Thị Luyến rất vui khi thống kê sơ bộ số lượng các cháu ăn học mầm non, mẫu giáo tại CSMNTT Hà Nam 9 năm qua đã lên đến hàng trăm, nhưng trong câu chuyện của mình, chị cũng không giấu được nỗi buồn, bởi theo chị: Khi khó khăn, gian khổ thì chính quyền địa phương và ngành giáo dục động viên, khuyến khích thành lập cơ sở và chỉ hỗ trợ một lần duy nhất 10 bộ bàn ghế, còn khi đã có điều kiện thì chẳng có sự động viên, chia sẻ nào, thậm chí còn có những động thái gây ức chế đối với người bỏ vốn xây dựng CSMNTT, cụ thể: Hiện nay, xã Đạ R’Sal đã được Nhà nước đầu tư xây dựng trường mẫu giáo, mầm non đạt chuẩn, các cháu ăn học ở đây đều được Nhà nước bao cấp phần lớn. Còn CSMNTT Hà Nam tuy đủ tiêu chuẩn của cấp trường, nhưng chỉ duy trì cấp cơ sở, bởi 60 cháu nhỏ tại đây (chia thành 3 lớp chồi lá 23 cháu, mầm non 22 cháu, nhóm trẻ 15 cháu) hầu hết đều học theo thời vụ. Nghĩa là, khi bận việc nhà nông thì bố mẹ đưa các cháu đến gửi học, khi nông nhàn lại đón các cháu về nuôi dạy tại nhà và vẫn đón đưa theo cách phụ thuộc thời gian lao động trên ruộng đồng. Thế nhưng, không những không thông cảm, chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả với cơ sở, mà có cán bộ còn nặng nề phân biệt giữa giáo dục công lập với tư thục. Trước thực tế buồn lòng này, chị Luyến giãi bày tâm sự: “Chắc thời gian tới tôi phải tìm kiếm loại hình hoạt động mới, mặc dù rất tâm huyết và có trách nhiệm với nghề “gõ đầu trẻ” và cũng rất tiếc đã bỏ vốn hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở ngang tầm với một trường học theo quy định của ngành giáo dục”.
Chia tay chị Luyến, chúng tôi chẳng có phương án nào để giúp chị định đoạt số phận của CSMNTT Hà Nam, nhưng rất vui, rất biết ơn chị đã dành phần lớn công sức, trí tuệ, sự yêu nghề, mến trẻ để vun đắp niềm vui và con chữ cho trẻ nhỏ ở vùng sâu, vùng xa bên dòng sông K’Rông Nô trong suốt 9 năm qua. Đó chính là phần thưởng, là niềm vui, niềm tự hào của một người làm công tác giáo dục để ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ như chị!
HOÀNG VƯƠNG MỸ