Bấp bênh làng nghề

02:12, 12/12/2012

Lâm Đồng hiện có 42 dân tộc sống đan xen; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số toàn tỉnh. Cùng với dân tộc gốc bản địa, cư dân các vùng miền đến Lâm Đồng lập nghiệp đều mang theo nghề gia truyền của tổ tiên để lưu giữ, làm kế mưu sinh và góp phần hình thành các làng nghề…

Lâm Đồng hiện có 42 dân tộc sống đan xen; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số toàn tỉnh. Cùng với dân tộc gốc bản địa, cư dân các vùng miền đến Lâm Đồng lập nghiệp đều mang theo nghề gia truyền của tổ tiên để lưu giữ, làm kế mưu sinh và góp phần hình thành các làng nghề…

Mặt hàng dệt thổ cẩm được du khách nước ngoài ưa chuộng
Mặt hàng dệt thổ cẩm được du khách nước ngoài ưa chuộng


Làng nghề - giá trị văn hoá

Quá thiếu sót nếu hiểu làng nghề (và các làng nghề truyền thống) thuần tuý chỉ là nơi sản xuất sản phẩm để trao đổi, bán mua kiếm sống! Mà giá trị đích thực của nó là giá trị của quá trình lao động sáng tạo. Bởi vậy, sản phẩm của các làng nghề là sản phẩm văn hoá, mang giá trị văn hoá. Đề cập đến “truyền thống” là nói đến tính lâu đời và nét riêng biệt của một làng nghề, một loại sản phẩm đặc trưng nào đó. Nhấn mạnh giá trị văn hoá của sản phẩm các làng nghề, chúng tôi muốn nói đến sự ẩn chứa, sự gởi gắm bên trong sản phẩm; đó có thể là tình yêu thiên nhiên, con người; có thể là tâm tư, niềm khát vọng… của con người về cuộc sống, cuộc đời... Ngoài ra, thông qua không gian, hình dáng, hoa văn, đường nét, chất lượng của sản phẩm phản ánh trình độ thẩm mỹ, trình độ nhận thức của con người và sự phát triển của cộng đồng xã hội trong từng giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin tuyên truyền và do “áp lực” của cơm áo đè nặng nên chính những con người tháng ngày cần mẫn làm ra các sản phẩm văn hoá và truyền dạy con cháu lưu giữ nghề truyền thống của tổ tiên, dân tộc mình cũng không mấy ai hiểu giá trị đích thực của sản phẩm họ làm ra. Người ta chỉ thấy vui khi sản phẩm được giá và bán được nhiều; ngược lại, buồn khi sản phẩm ít người hỏi mua. Trong cuộc sống hiện tại rất khó nói trước cái gì “được”, cái gì “mất”! Cốt làm sao giữ được các làng nghề truyền thống là yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, nét văn hoá riêng của từng dân tộc, đó là bản sắc văn hoá dân tộc Việt.

Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến 8/2012 toàn tỉnh có 41.708 cơ sở ngành nghề nông thôn, mỗi năm thu hút trên 200 ngàn lao động. Đặc biệt, có 22 làng nghề (trong đó, 16 làng nghề truyền thống) nằm ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số và trong nhân dân tại các xã, thị trấn, thu hút khoảng 7.000 nghệ nhân, lao động tham gia. Đáng mừng, có 6 làng nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống giai đoạn 2010 - 2011. Trong đó, 3 làng nghề nông nghiệp có truyền thống sản xuất hoa lâu đời và nổi tiếng trên địa bàn TP. Đà Lạt: Làng nghề hoa Thái Phiên (Phường 12); làng nghề hoa Hà Đông (Phường 8) và làng nghề hoa Vạn Thành (Phường 5); 3 làng nghề phi nông nghiệp: Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn BnerC (xã Lát, huyện Lạc Dương); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) và làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc).

Tôi đã có nhiều chuyến công tác tại các thôn, buôn và đã tiếp cận với các chủ nhân, nghệ nhân, người lao động tại một số làng nghề truyền thống. Phần lớn các làng nghề truyền thống của người dân tộc Mạ, Kơ Ho bản địa là dệt thổ cẩm: như Buôn BnerC - xã Lát (Lạc Dương); xã Phước Lộc, xã Đạ Oai (Đạ Huoai); xã Đạ Đờn (Lâm Hà); Buôn Go (thị trấn Đồng Nai - Cát Tiên)… Các làng nghề truyền thống làm gốm sứ theo môtip gốm Bàu Trúc của người Churu ở thôn Grănggọ - xã Próh và nghề đúc nhẫn bạc thôn Ma Đanh - xã Tu Tra (Đơn Dương); nghề đan lát mây tre thủ công của người Kinh tại xã Đạ Đờn; mây tre công nghệ (đang đề nghị công nhận thương hiệu tập thể) của thị trấn Madagui (Đạ Huoai)…

Đìu hiu làng nghề

Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương (Khoá X) về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn; trong đó có việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, những năm qua lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Quyết định 66/3003/QĐ-UB, ngày 29/5/2003 của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2003 - 2010; Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng (đã trình Bộ NN&PTNT)… Hàng năm, ngành NN&PTNT địa phương xây dựng các đề án, chương trình đề xuất cấp kinh phí thực hiện công tác quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, dạy nghề nông thôn, hỗ trợ vốn; đầu tư phát triển các làng nghề…

Tuy nhiên, ngoài các làng nghề trồng hoa phát triển khá mạnh đem lại thu nhập cao cho chủ cơ sở và người lao động, còn hầu hết các làng nghề khác “đầu ra” của sản phẩm đang bế tắc. Phần lớn ngành nghề (nói chung), các làng nghề truyền thống nói riêng chưa theo quy hoạch và mang tính tự phát, thiếu đầu tư cơ sở vật chất và tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Loại hình sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tại hộ gia đình; sản phẩm chất lượng thấp, sức cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, tôn vinh các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc thông qua sản phẩm chưa được coi trọng. Sản phẩm làng nghề chưa tạo được thế vững chắc trên thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề trong và ngoài nước; thậm chí còn bị sản phẩm “cùng loại” từ các tỉnh khác chèn ép như sản phẩm thổ cẩm, đồ mỹ nghệ. Sản phẩm rất khó tiêu thụ, thu nhập của nghệ nhân, người lao động thấp, bấp bênh. Nghề làm gốm sứ, đúc nhẫn bạc và hầu hết các nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền.

Nghệ nhân Cil Kar (dân tộc Cill 71 tuổi) đã sống qua hơn 50 mùa rẫy cùng con cháu ở Làng dệt thổ cẩm truyền thống dưới chân núi Lang Bian tâm sự: sản phẩm mình làm ra cứ để đó chờ khách tham quan (thường khách nước ngoài) ghé vào mua thì bán. Bà cho biết, giá cả rẻ lắm, ví như một cái “ùi” (váy phụ nữ) bán 150 ngàn đồng; túi xách tay: 50 ngàn; dây quấn đầu hay cổ tay: 20 ngàn đồng… Trong khi đó, để dệt hoàn thành 1 tấm “ùi” phải mất hơn 2 ngày (chưa kể vật liệu, phẩm nhuộm…) phải mua. Còn nghệ nhân Ka Lèng (68 tuổi, dân tộc Mạ) ở xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà) cho biết, trong buôn bà ở có vài chục gia đình làm nghề dệt thổ cẩm nhưng hiện nay còn ít nhà làm. Mùa thu hoạch cà phê, lúa, bắp cả  thôn đi làm thuê cả, chỉ những người lớn tuổi như bà ở lại trông nhà và tranh thủ dệt vài sản phẩm cho đỡ… buồn, để không quên mất cái nghề đã gắn bó nhiều thế hệ gia đình và đã đi qua hết thời sơn nữ của bà cho đến tận bây giờ! Theo bà giá cả sản phẩm rẻ lắm và cũng chẳng mấy ai hỏi mua; thỉnh thoảng bà Ka Lèng và một số người trong buôn gởi sản phẩm lên Đà Lạt nhờ bán dùm được chăng hay chớ…

Anh Nguyễn Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan lát và làm đồ mỹ nghệ tại xã Đạ Đờn (Lâm Hà) cho biết, sản phẩm của gia đình anh làm chủ yếu các loại giỏ, giá cắm hoa, các sản phẩm mỹ nghệ được làm thủ công. Nguyên liệu: sợi, dây, mây, tre, dầu bóng… phải mua khá đắt, nhưng sản phẩm làm ra cứ chất đống trong kho, vứt sóng soài trên sàn nhà, trên ghế salon, trước cửa, thềm nhà… Lâu lâu thương lái ở Đà Lạt mới về mua sỉ một số mang đi bán lẻ cho các shop hoa. Lao động làm thuê cho cơ sở của anh Tân có vài người nhưng cứ làm năm ba hôm phải nghỉ cả tháng kiếm việc khác chờ ngót bớt hàng mới được chủ gọi trở lại… Bởi vậy, ngày càng nhiều người không mấy “mặn mà” gắn bó với làng nghề. Các làng truyền thống trở nên quá bấp bênh trước cuộc mưu sinh hiện tại!

Yêu lắm nghề truyền thống, muốn giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống của dân tộc, địa phương mình, nhưng không thể sống bằng sản phẩm của các làng nghề được! Đó là nỗi niềm chung, sự “bất lực” của các nghệ nhân, chủ cơ sở và người lao động ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay…

Phương Thanh