Bếp ăn dành cho người nghèo

02:12, 30/12/2012

Những bát cơm đong đầy tình người, giúp cho những hộ nghèo cải thiện bữa ăn, là từ những nghĩa cử của các nhà hảo tâm dành cho bếp ăn từ thiện Chữ thập đỏ tại huyện Đạ Huoai...

Những bát cơm đong đầy tình người, giúp cho những hộ nghèo cải thiện bữa ăn, là từ những nghĩa cử của các nhà hảo tâm dành cho bếp ăn từ thiện Chữ thập đỏ tại huyện Đạ Huoai. Sau gần 1 năm ra đời, bếp ăn đã phục vụ miễn phí hàng nghìn suất cơm cho bệnh nhân nghèo, giúp những thân nhân, bệnh nhân điều trị tại đây yên tâm, vượt qua khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.


Không khí tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa vẫn diễn hàng ngày tại “nhà hàng” - Trung tâm y tế huyện Đạ Huoai. Một đầu bếp vừa nổi lửa lên, món xào thơm phức, bay khắp khu bếp, mùi thơm đánh thức cái đói. Đã đến giờ ăn rồi. Ngoài hành lang, người nhà của bệnh nhân trật tự xếp hàng, chờ đến lượt nhận phần cơm về cho bệnh nhân. Họ là những bệnh nhân – hộ nghèo, khó khăn chồng chất nay lại “lâm cảnh” bệnh tật, phải nhập viện.
 
Thực tế, đa số hộ nghèo ở Đạ Huoai là đông con, ngoài việc trông chờ vào mùa điều thì hàng ngày họ đi lên rừng kiếm măng, củ mài, mùa nào thức đó để sống qua ngày, có nhiều hộ gia đình đi rừng cả tuần mới về. Qua khảo sát cho thấy, việc ăn uống của bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện là hết sức thất thường, cơm cháo bữa có bữa không, nhiều người chỉ ăn mì tôm, rau rừng cho qua bữa…

* Huyện Đạ Huoai là huyện thuần nông, chiếm hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là K’Ho và Châu Mạ, chiếm hơn 20%), trong đó, số hộ nghèo chiếm 1.754 hộ (năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng sâu, vùng xa chiếm từ 40 - 60%. Hằng năm, Đạ Huoai có trên 7.000 lượt bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, trong đó bệnh nhân nghèo có khoảng 3.050 lượt người.

* Theo Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Huoai, qua hơn 6 tháng hoạt động, bếp ăn đã phục vụ được 2.400 suất ăn cho bệnh nhân nghèo trị giá 36.000.000 đồng. Tổng số tiền và hàng mà Hội đã vận động phục vụ bếp trong năm 2012 là 118.000.000 đồng.

Ông Nguyễn Quang Mạnh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đạ Huoai cho biết: “Trước thực tế khó khăn kéo dài nhiều năm, những khó khăn trong việc kết hợp điều trị thuốc và khẩu phần ăn hàng ngày cho đối tượng hộ nghèo nhưng cũng không hỗ trợ được nhiều. Cụ thể, trong hai năm 2010 và 2011, Hội Chữ thập đỏ huyện và Chi hội Chữ thập đỏ Trung tâm Y tế đã cố gắng vận động giúp đỡ đột xuất được trên trăm lượt đối tượng đặc biệt khó khăn trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà không có ai chăm sóc. Song đó chỉ là giải pháp tình thế. Điều trăn trở của chúng tôi là phải làm sao tìm ra giải pháp mang tính bền vững”. “Trước thực trạng này, chúng tôi đã tìm ra giải pháp là phải tổ chức được những suất ăn từ thiện và việc xây dựng bếp ăn từ thiện Chữ thập đỏ là một nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn là trong tình hình khó khăn hiện nay, việc tổ chức bếp ăn từ thiện chẳng khác gì “tay không bắt giặc” – ông Minh chia sẻ những khó khăn buổi đầu thành lập. Nhiều người đặt câu hỏi vận động ai, vận động ở đâu, khi trên địa bàn không có công ty doanh nghiệp nào lớn để huy động nguồn lực?

Để thành lập bếp ăn, Hội và những người giúp đỡ đã đi khảo sát học tập một số mô hình bếp ăn từ thiện ở các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Hội Chữ thập đỏ huyện đã thành lập tổ vận động, từ 3 - 5 người trực tiếp vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương ủng hộ, có nguồn kinh phí ban đầu, đặc biệt là vận động nhà tài trợ chính cho bếp. Các thành viên còn lại của Ban chỉ đạo có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân ở các cơ quan đơn vị mình, tích cực tham gia đóng góp cho bếp ăn từ thiện. Ngoài ra, Huyện Hội còn gửi thư ngỏ, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ngoài địa phương, các hội bạn… Sau hơn hai tháng vận động, Hội Chữ thập đỏ đã vận động các nhà hảo tâm được tiền và gạo.  Trung tâm Y tế vận động các nguồn lực của đơn vị, xây 1 nhà ăn và dụng cụ bếp (bếp ga, xoong nồi, chén, bát…) tổng giá trị 150.000.000đ. Ngoài ra, để duy trì tốt các hoạt động của bếp, Hội thành lập 1 tổ vận động 3 người, trực tiếp đi vận động 1 tuần 3 buổi tại chợ và chịu trách nhiệm nấu phục vụ cho bệnh nhân. Hàng ngày có 2 người đi vận động các tiểu thương ở chợ, ai cho gì lấy nấy  (gạo, rau, cá, thịt, xương…) về nhập cho bếp.

Cũng theo ông Mạnh, khó khăn lớn nhất là công tác vận động, vì vậy, tổ vận động phải năng động, nghiên cứu thời điểm vận động nào là phù hợp đối với từng đối tượng. Vì vậy, cán bộ vận động phải kiên trì, gạt bỏ những lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa, luôn nghĩ về những bệnh nhân nghèo đang cần đến sự giúp đỡ, với mục tiêu làm nhiều hơn, làm tốt hơn cho bệnh nhân nghèo.

ĐẶNG TUẤN