Tại kỳ họp HĐND tỉnh gần đây nhất, trong báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh về vấn đề xử lý chất thải rắn, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh gần đây nhất, trong báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh về vấn đề xử lý chất thải rắn, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng: Cùng với việc “tìm kiếm” công nghệ xử lý thích hợp, cần phải xác định được vị trí và quy mô các cơ sở xử lý rác thải rắn và đồng thời xác định cho được các trạm trung chuyển chất thải rắn. Nội dung này lần nữa được đặt lên bàn nghị sự cho thấy yêu cầu về xử lý chất thải rắn của nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã thực sự bức xúc.
Cũng trong báo cáo nói trên, UBND tỉnh Lâm Đồng có đề cập trực tiếp đến bãi rác khu vực thị trấn Drann của huyện Đơn Dương: “Bãi rác khu vực thị trấn Drann, huyện Đơn Dương, nằm trên quốc lộ 20 đã hoạt động từ lâu dưới dạng chôn lấp rác thải thu gom từ khu vực thị trấn và vùng ven một cách tự phát, rác thải được tập kết và đổ thải tự nhiên, không theo đúng quy định về quy trình chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, không có các công trình xử lý môi trường. Hiện nay, bãi rác đã quá tải nhưng vẫn phải tiếp nhận rác thải phát sinh hằng ngày, gây ô nhiễm môi trường; UBND huyện Đơn Dương đang kiểm tra, xác định vị trí xây dựng bãi rác khác thay thế”. Nhìn rộng ra, không chỉ Đơn Dương mới là huyện thực sự bức xúc về vấn đề rác thải mà đây còn là “nỗi niềm” của không ít địa phương khác trong tỉnh. Ví dụ, bãi rác Gung Ré (xã Gung Ré) của huyện Di Linh chỉ rộng khoảng 0,6 ha nhưng hơn 20 năm nay phải “gồng mình” gánh trung bình 30 tấn rác thải mỗi ngày. Tương tự, tại huyện Đức Trọng, bãi rác Pré (xã Phú Hội) cũng trong 20 năm qua mỗi ngày “gánh” gần 100 tấn rác và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoặc như ngay tại TP Đà Lạt, trong khi chưa có một quy hoạch về quản lý chất thải rắn một cách bài bản thì lượng rác thải ra của TP này ngày càng gây áp lực bởi khối lượng không ngừng tăng lên: Trước 2010, trung bình mỗi năm dưới 50.000 tấn; đến 2011 gần “chạm” 50.000 tấn và đến 2012 theo ước tính đã vượt quá con số 50.000 tấn. Trong khi đó, bãi rác Cam Ly (bãi rác chính của Đà Lạt) đã quá tải từ gần 20 năm nay (bãi rác này được bắt đầu đưa vào sử dụng trong năm 1976).
Những gì như trên vừa nêu cho thấy, với nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, nhu cầu về xử lý chất thải rắn đã thực sự bức xúc!
THI HOÀNG