Đó là cái tên mà người dân nơi vùng quê “Chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn” đặt cho chị từ 16 năm nay. Tên đầy đủ của chị là Ngọc Thị So – chuyên trách dân số KHHGĐ xã An Nhơn (Đạ Tẻh).
Đó là cái tên mà người dân nơi vùng quê “Chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn” đặt cho chị từ 16 năm nay. Tên đầy đủ của chị là Ngọc Thị So – chuyên trách dân số KHHGĐ xã An Nhơn (Đạ Tẻh).
Năm 1990, rời quê hương Cao Bằng vào vùng kinh tế mới xã An Nhơn – Đạ Tẻh lập nghiệp, những ngày đầu trên quê hương mới “lạ nước, lạ cái”, bệnh tình của chồng chị thường xuyên tái phát do hậu quả của chiến tranh sau khi xuất ngũ trở về, nên cuộc sống của gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Vận động phụ nữ trẻ thực hiện DS – KHHGĐ |
Thế nhưng, chị So là một đầu tàu trong công tác Dân số - KHHGĐ ở xã. Năm 1995, chị làm cán bộ chuyên trách dân số vì chị nghĩ: “Gia đình tôi cũng như những gia đình vào đây lập nghiệp đã rút ra được nguyên nhân của đói nghèo chính là đông con. Ở quê cũ không có đất canh tác cũng vì sinh đẻ không có kế hoạch, từ đó, chúng tôi mới xa quê hương vào đây lập nghiệp, tôi nghĩ muốn thoát nghèo thì phải vận động bà con đẻ ít nên tôi quyết định tham gia công tác dân số”.
Toàn xã An Nhơn có 11 thôn 917 hộ với 4.124 khẩu, số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có 1.162 người, trong đó phụ nữ có chồng 786 người. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76%. Đời sống của người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán. Bằng sự nhiệt tình, chịu khó và kinh nghiệm tích luỹ, 16 năm qua chị So luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Chị luôn xác định rõ làm chuyên trách dân số là phải chấp nhận khó khăn, gian khổ trong quá trình truyền thông vận động về sinh đẻ có kế hoạch. Tâm huyết với công việc, luôn học hỏi, tìm tòi, áp dụng những kiến thức, kỹ năng mới, chị So luôn tạo mối đoàn kết gắn bó, thường xuyên động viên nhắc nhở đội ngũ cộng tác viên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chị thường nhắc nhở cộng tác viên phải tế nhị và nhạy cảm, chịu khó, kiên trì và nhẫn nại, mưa dầm thấm lâu thì công việc mới đạt hiệu quả cao.
Phong trào Dân số - KHHGĐ của xã An Nhơn dù thời gian qua có những khó khăn trong công tác tổ chức bộ máy nhưng vẫn duy trì tốt và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 12%, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai tăng lên 79%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,06%... Nhận thức của người dân về DS/KHHGĐ/SKSS đã được nâng lên rõ rệt, người dân đã hiểu được lợi ích của việc sinh ít con. Từ đó, ngày càng nhiều cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình nhỏ ít con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền công tác Dân số - KHHGĐ của xã An Nhơn được UBND huyện Đạ Tẻh và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh khen thưởng.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đạ Tẻh nhận xét: “Chị So là một chuyên trách có thâm niên của huyện. Ngoài công việc quản lý chung, chị cùng với CTV luôn bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình cơ sở. Theo sát tâm tư của các cặp vợ chồng sinh con một bề có ý định sinh thêm con để kịp thời vận động. Nhiều cặp vợ chồng được chị So và CTV đến nhà giải thích, tuyên truyền, thuyết phục, nên quyết định dừng lại ở 2 con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống, gia đình hạnh phúc”.
CÔNG NAM