Chuyện về cô gái biết vượt lên chính mình

03:12, 16/12/2012

Vui vẻ, tự tin và luôn nỗ lực vượt lên bản thân để yêu hơn cuộc sống này là tất cả những gì mà người khác cảm nhận được, khi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với Nguyễn Ni - cô chủ tiệm may tại một góc chợ Thái Phiên và cũng là hội viên năng nổ, tích cực của Hội Người khuyết tật TP.Đà Lạt.

Vui vẻ, tự tin và luôn nỗ lực vượt lên bản thân để yêu hơn cuộc sống này là tất cả những gì mà người khác cảm nhận được, khi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với Nguyễn Ni - cô chủ tiệm may tại một góc chợ Thái Phiên và cũng là hội viên năng nổ, tích cực của Hội Người khuyết tật TP.Đà Lạt.

Dẫu bệnh tật hành hạ, Nguyễn Ni vẫn luôn là một cô chủ tiệm may vui vẻ, yêu đời
Dẫu bệnh tật hành hạ, Nguyễn Ni vẫn luôn là một cô chủ tiệm may vui vẻ, yêu đời


Lọt lòng, Nguyễn Ni vốn là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến khi lên 3, xương sống của cô bắt đầu cong vẹo. Lúc đó, cả nhà cứ tưởng cô bị vậy là do bị ngã nên đem cô đi hết thầy lang này đến thầy lang khác để chạy chữa, bó bột. Nhưng bệnh tình của cô chẳng những không thuyên giảm mà còn khiến cô càng thêm đau đớn vì vết thương cứ ngày thêm lở loét… Rồi đến tuổi đi học mẫu giáo,  cô phải chống nạng mới đi được tới trường. Khi nỗi đau thể xác ngày một tăng lên cùng với số tuổi, thì thêm một nỗi đau khác lại ập đến với Ni và gia đình, khi Ni lên 4 tuổi, mẹ Ni mất vì bạo bệnh. Ni bảo, lúc đó, cô còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau mà mình phải trải qua, chỉ biết, sau ngày đó là một chuỗi ngày dài đầy vất vả và khổ cực với 4 chị em Ni. Khi Ni lên 7, bố Ni bước thêm bước nữa, 3 đứa em lần lượt ra đời. Nhà vốn đã thiếu trước, hụt sau, lại càng thêm khó khăn chồng chất. Khi cái đói, cái nghèo cứ mãi bám riết lấy gia đình cô thì cũng chẳng còn ai trong nhà có thời gian và tâm trí để nghĩ tới việc chạy chữa cho bệnh tình của cô nữa. Rồi khi Ni học hết lớp 8, cô phải nghỉ học để ở nhà giữ em, chăm lo heo gà, nhà cửa…

Vất vả và khó khăn là vậy, nhưng Ni bảo, chưa bao giờ Ni cảm thấy nản lòng, mà ngược lại, lúc nào Ni cũng động viên mình, phải cố hết mình để vượt qua. Đó là những tháng ngày miệt mài tập luyện để không dùng nạng, cô vẫn đi thẳng được như bây giờ; là những buổi thức đêm, thức hôm để tập may từng đường kim, mũi chỉ để trở thành bà chủ tiệm may tự tin và bản lĩnh như hôm nay…

Ni tâm sự con người ta, muốn thành công, cần phải luôn luôn nỗ lực và cũng cần có thêm cả sự may mắn nữa. Với người khuyết tật như Ni, thì sự cố gắng phải bằng gấp đôi, gấp ba người bình thường. Ni bảo, dẫu không được lành lặn như người bình thường nhưng Ni may mắn vì có nhiều bạn bè và những người thật sự yêu thương và tôn trọng Ni. Đó là một nhóm những người bạn thân nhau như chị em trong Hội người Khuyết tật, cô chủ nhà cho Ni mướn phòng để mở tiệm may, người dân sống quanh chợ Thái Phiên - những khách hàng luôn ủng hộ Ni trong suốt 4 năm qua, kể từ khi Ni mở tiệm may tại một góc nhỏ của chợ Thái Phiên này. Với Ni, đó thật sự là may mắn và hạnh phúc không dễ gì tìm được. Càng tự hào vì điều đó, Ni càng quyết tâm phải sống tốt hơn. Đó cũng là lý do mà từ lúc mở tiệm cho tới bây giờ, Ni luôn dang tay đối với những hoàn cảnh không may trong cuộc sống và lúc nào tiệm may của Ni cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho 2-3 thợ, với mức lương 2-3 triệu đồng. Thêm nữa, Ni còn là một thành viên rất tích cực của Hội Người khuyết tật TP.Đà Lạt, một “cây văn nghệ” của Hội để bất cứ lúc nào Hội cần, Ni cũng đều có mặt…

Càng lớn tuổi, những cơn đau hành hạ cô cũng nhiều hơn, phía trước vẫn còn rất nhiều vất vả, khó khăn đang đón đợi Ni, nhưng Ni luôn cảm thấy yêu cuộc sống này và lúc nào Ni cũng muốn mình phải thật vững vàng, tự tin để đối đầu và vượt qua chúng.

Thy Vũ