Công nghệ thông tin trở thành động lực

04:12, 27/12/2012

Một trong những mục tiêu được đưa ra trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 vừa được phê duyệt là “Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh, đưa CNTT trở thành động lực và ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng.

Một trong những mục tiêu được đưa ra trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 vừa được phê duyệt là “Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh, đưa CNTT trở thành động lực và ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng. Ứng dụng và phát triển CNTT Lâm Đồng ở nhóm 1 trong bảng xếp hạng so với cả nước (từ 1 đến 20). Phấn đấu đến năm 2020, Lâm Đồng trở thành một trong các tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng và phát triển CNTT”.

Phòng thu âm phát sóng đài phát thu truyền hình Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Toàn
Phòng thu âm phát sóng đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Toàn


Theo quy hoạch này, Lâm Đồng đang phấn đấu phát triển và ứng dụng CNTT có hiệu quả cao trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong phục vụ sản xuất và kinh doanh và trong các lĩnh vực đời sống – xã hội. Theo đó, trong các cơ quan nhà nước, hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời, làm công cụ hữu ích cho cải cách hành chính; tin học hóa các hoạt động nghiệp vụ; chuẩn hóa các quy trình hành chính, quy trình nghiệp vụ và nội dung thông tin… Cùng đó, tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng CNTT và ứng dụng các phần mềm phục vụ quản lý kinh doanh như phần mềm kế toán, quản lý khách hàng, quản lý nhân sự, quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Trong các lĩnh vực đời sống và xã hội, Lâm Đồng sẽ tăng cường ứng dụng CNTT trong lưu trữ, quản lý và chia sẻ tài liệu; trong giải quyết việc làm; trong giáo dục – đào tạo; trong y tế và chăm sóc sức khỏe; trong vùng nông thôn… Cũng theo quy hoạch này, cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và hoàn thiện mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thì đến năm 2015, tỉnh phấn đấu có 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh và huyện và 60% UBND cấp xã có mạng nội bộ (LAN), được kết nối internet băng thông rộng và mạng cáp quang tốc độ cao. Cùng đó, các hoạt động trao đổi và tác nghiệp tại các công sở sẽ được tin học hóa và thực hiện trên môi trường mạng máy tính; tỷ lệ hồ sơ và dữ liệu được số hóa 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020; tỷ lệ trao đổi thông tin và tác nghiệp trên môi trường mạng đạt 60% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.

Về quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, Lâm Đồng sẽ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, có độ bao phủ rộng khắp. Giai đoạn từ 2012 – 2015, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng WAN kết nối UBND tỉnh với tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường trong tỉnh; đầu tư phòng máy tính và kết nối internet cho các trường học và các cơ sở y tế; nâng cấp, mở rộng trung tâm tích hợp dữ liệu và hoàn thiện trung tâm dữ liệu (Data Center); hoàn thiện mạng tổng thể và đường truyền với độ bao phủ rộng, an toàn, bảo mật, đường truyền ổn định, chất lượng cao, tương thích với nhiều ứng dụng khác và có khả năng mở rộng, xây dựng mạng đường trục CAMPUS kết nối các đơn vị trong khu hành chính tập trung với UBND tỉnh Lâm Đồng. Thời kỳ 2016 – 2020, Lâm Đồng sẽ phát triển công nghệ WiMax (4G) để phổ cập internet ở nông thôn miền núi; hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân vùng nông thôn nhằm giúp họ có thể tiếp cận được các thông tin theo nhu cầu một cách nhanh chóng.

Cũng theo quy hoạch này, tổng nguồn vốn cho phát triển CNTT Lâm Đồng đến năm 2020 là gần 1.300 tỷ đồng; trong đó, nguồn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm cao nhất – 691,5 tỷ đồng (53,2%), tiếp đến là nguồn ngân sách địa phương: 374,5 tỷ đồng (28,8%), ngân sách trung ương 213,5 tỷ đồng (16,4%) và còn lại là nguồn đầu tư xã hội (20 tỷ đồng – 1,5%).

KHẮC DŨNG