Đi “săn” chè cổ

03:12, 09/12/2012

Dọc tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), hàng chục địa điểm bán gốc chè đã được hình thành gần 10 năm trở lại đây. Không rõ ai là người đầu tiên “khai sinh” ra “phố chè” này. Những người kỳ cựu trong nghề cho biết: Ban đầu chủ yếu trưng bày những gốc chè đẹp lâu năm để chơi, lâu dần có khách hỏi mua thì bán.

Dọc tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), hàng chục địa điểm bán gốc chè đã được hình thành gần 10 năm trở lại đây. Không rõ ai là người đầu tiên “khai sinh” ra “phố chè” này. Những người kỳ cựu trong nghề cho biết: Ban đầu chủ yếu trưng bày những gốc chè đẹp lâu năm để chơi, lâu dần có khách hỏi mua thì bán. Người này bán được thì người khác cũng bày ra bán theo. Cứ vậy, giờ đã có gần 20 chục điểm bán gốc chè trên đoạn đường khoảng 4 km này. Chủ cơ sở bán chè cổ Trà Việt cho biết: Khi mới mang gốc chè ra trưng bày và bán, nhiều người qua lại còn cười, vì có ai mua gốc chè làm cảnh bao giờ. Vậy mà giờ đây, nó lại trở thành thứ cây cảnh được nhiều người yêu thích.

Một gốc chè cổ của ông Phạm Văn Kiệt
Một gốc chè cổ của ông Phạm Văn Kiệt


Hiện, việc mua bán gốc chè cổ tại đây không còn nhộn nhịp như trước. Và, để “săn” được những gốc chè cổ có hình thù đẹp cũng không phải chuyện đơn giản. Theo nhiều người bán, cách đây vài năm có thể tìm được gốc chè cả trăm năm tuổi tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Muốn có gốc chè cổ và đẹp, những người kinh doanh ở đây phải đi săn lùng khắp mọi nơi. Hầu như cơ sở nào cũng có hẳn “đội quân” chuyên đi săn lùng gốc chè, không chỉ tại Lâm Đồng mà còn ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Anh Nguyễn Ngọc Hải (thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), đã gần 10 năm làm nghề mua bán chè cổ, khẳng định: Ở vùng đất B’Lao, cây chè cổ hầu như không còn. Nguyên nhân do chuyển đổi giống đã thay thế những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp bằng những giống chè mới, năng suất cao hơn. Hiện, muốn có những gốc chè đẹp thì chúng tôi phải đi tìm mua ở vùng chè Cầu Đất (Đà Lạt) hoặc tại các tỉnh miền Bắc. Ông Phạm Văn Kiệt (thôn 4, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), trong hơn 20 năm qua, ông đã tìm được hàng trăm cây chè cổ. Những gốc chè lâu năm mà ông Kiệt có được là do tự ông đi tìm hoặc mua lại từ những người “săn” chuyên nghiệp. Ông kể: Có lần tôi phải ra tận Thái Nguyên để tìm gốc chè. Gốc chè đẹp thường ở những nơi hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn. Do đó, để tìm được và vận chuyển về đến đây là cả một kỳ công.
 

Theo nhiều tài liệu khoa học, chè xanh có tác dụng hạn chế sự giãn nở của mạch máu, ngăn chặn chứng vữa xơ động mạch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Nếu uống nước chè hàng ngày thì sau một thời gian, lượng cholesterol và lipit trong máu sẽ giảm. Chè xanh chính là chất xúc tác, giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất, đốt cháy lượng mỡ dư thừa, nên giúp giảm cân. Trong chè có chứa chất chống oxy hóa. Chất này có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của tế bào ung thư, ngăn ngừa lão hóa và tác động xấu của môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, chè còn giúp bảo vệ xương, răng nhờ trong chè giàu chất flo, polyphenol và tannin. Chè cũng giúp củng cố hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại vi khuẩn gây hại. Các nghiên cứu kết luận rằng: Hệ miễn dịch của những người uống chè hoạt động tích cực hơn rất nhiều so với những người không uống.

Tại cơ sở của ông Kiệt hiện có 5 gốc chè có độ tuổi khoảng 60 đến 100 năm. Đặc biệt, có 1 gốc khoảng 80 năm tuổi được ông mua lại của những người chuyên đi săn gốc chè ở Di Linh cách đây 6 năm. Khi nhận được thông tin và hình ảnh về gốc chè này, ông đã tức tốc lên Di Linh. Cuộc ngã giá đã diễn ra nhanh chóng mà theo ông Kiệt: “Tôi đã không kỳ kèo bớt đồng nào, mà đồng ý mua ngay vì nó quá đẹp”. Cây chè này có gốc to, tán xòe tròn rộng và đặc biệt có rất nhiều cành, nhánh uốn lượn tự nhiên từ gốc vươn ra như một pho tượng trăm tay. Với ông Kiệt, cũng là duyên may mới mua được gốc chè này và ông sẽ giữ nó cho riêng mình chứ không bán. Từ đó đến nay, ông Kiệt đã bỏ nhiều thời gian và công sức để đi tìm một cây tương tự để làm cặp nhưng chưa có.

Nhiều “đại gia” đã tìm đến ông Kiệt để săn lùng gốc chè đẹp. Cách đây vài năm, ông Kiệt đã bán cho một công ty ở Vĩnh Phúc gốc chè trị giá 87 triệu đồng. Lần đó, để vận chuyển gốc chè này về, công ty đó đã thuê hẳn một chiếc xe tải với tiền công vận chuyển hơn 20 triệu đồng. Mới đây, thông qua giới thiệu của những người cùng chơi cây cảnh, một vài khách Nhật Bản đã đến đặt mua gốc chè của ông Kiệt để đưa về nước, nhưng chưa làm được thủ tục xuất hàng.

Cây chè “cổ” đã trở thành một “đặc sản” của Lâm Đồng. Khách du lịch qua đây, thường ghé mua một vài gốc chè để làm quà biếu. Ngoài những gốc chè cảnh, chè cổ, hiện những gốc chè chỉ vài năm tuổi cũng có nhiều người mua. Các cơ sở bán cây chè ở Lộc An cho biết: Mỗi ngày, thương lái ở các tỉnh như: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây đến đây để mua gốc chè non về bán lại. Lý giải điều này, ông Kiệt cho biết: Ngoài trồng làm cảnh, nước uống từ lá chè xanh cũng được rất nhiều người ưa chuộng, vì nó có công dụng tốt cho sức khỏe. Đối với những người có tiền, chè xanh được chế biến cầu kỳ hơn. Họ thường chưng lá chè xanh với yến sào để tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Theo họ, để có công dụng tốt thì cần phải sử dụng lá của những gốc chè trên trăm tuổi. Đây cũng chính là lý do khiến những gốc chè cổ bị săn lùng.
 

HỮU SANG – KHÁNH  PHÚC