Huy động sức dân cho xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi xã hội trong xây dựng nông thôn mới đang là động lực làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê xa xôi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh hiện nay...
Huy động sức dân cho xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi xã hội trong xây dựng nông thôn mới đang là động lực làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê xa xôi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh hiện nay. Nếu vài năm trước đây, Đạ Huoai là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về việc nhân dân hiến đất, góp công cùng Nhà nước để mở đường, xây trường… thì nay tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà công việc này đã trở thành phong trào, được rất nhiều hộ nông dân hưởng ứng, cho dù họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Tại huyện nghèo Đam Rông: Để nâng cấp trên 13 km đường tỉnh lộ 722, đã có 131 hộ dân (hầu hết là đồng bào DTTS) tại các xã Đạ Mrông, Đạ R’sal hưởng ứng vận động của chính quyền và các đoàn thể chính trị địa phương đã tự nguyện hiến 151.500m2 đất nông nghiệp và 18.800m2 đất lâm nghiệp đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng để thông tuyến thi công mà không đòi hỏi phải đền bù, mặc dù thu nhập chính của gia đình hàng năm đều phải trông chờ vào lượng hoa màu có được nhờ tận dụng đất đai để sản xuất. Thôn Păng Dung (xã Đạ K’nàng) có 7 tuyến đường đã nhiều năm lầy lội, ổ gà, ổ trâu và chật hẹp rất khó đi lại quanh năm vừa qua cũng đã được hàng chục hộ dân hiến đất và 270 hộ trong thôn tự nguyện đóng góp ít nhất 300.000 đồng tới vài triệu đồng mỗi hộ, tạo ra nguồn vốn trên 600 triệu đồng để nâng cấp với chiều dài 6 km, mặt đường rộng từ 0,6-1,2m… Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, chỉ riêng năm 2012 này, các cấp hội của địa phương đã vận động hội viên đóng góp 260 triệu đồng trên 2.000 ngày công và hàng chục ha đất để nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Nước sạch sinh hoạt luôn là khó khăn đối với các vùng dân cư miền núi vùng sâu, vùng xa, mặc dù nhiều năm qua đã được thụ hưởng đầu tư từ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Bộ NN-PTNT) cũng như các chương trình, dự án lồng ghép khác. Khắc phục khó khăn này, 50 hộ DTTS thôn Phi Jút, xã Đạ R’sal đã đóng góp 150 triệu đồng (bình quân 3 triệu đồng/hộ) để cho những thanh niên trai tráng trong thôn vượt núi tìm nguồn nước hợp vệ sinh, mua sắm thiết bị đưa nước về thôn tới tận từng hộ. Cùng với đóng góp làm đường, thi công công trình nước sạch, tại nhiều địa phương ở Đam Rông, trước nhu cầu học hành của con em, cũng đã có nhiều hộ tự nguyện hiến đất, hiến cây trồng để chính quyền đầu tư xây dựng trường lớp. Một người tiêu biểu cho việc làm đầy tính khuyến học này là ông Nguyễn Minh Quốc ở thôn Phi Có, xã Đạ R’sal: Từ năm 2005 tới nay, qua 4 lần hiến đất, ông đã phá bỏ cây trồng (cà phê) đang thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm với diện tích 8.400m2 đất để ngành Giáo dục huyện Đam Rông mở rộng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh và Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong…
Tại huyện Lâm Hà: Việc vận động nông dân tự nguyện tham gia thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp đất đai, công sức, tiền của để thi công công trình phúc lợi xã hội cũng đã được các cấp Hội Nông dân huyện quan tâm và đã đưa lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Thống kê của Hội Nông dân huyện từ năm 2007 tới nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, hội viên Hội Nông dân huyện đã đóng góp 45.000 ngày công, 2,245 tỷ đồng, hàng chục ha đất đang canh tác để sửa chữa và làm mới 322 km đường giao thông, 25 cây cầu, nạo vét 80 km kênh mương thuỷ lợi nội đồng. Tiêu biểu cho hàng ngàn hộ nông dân đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm Hà thời gian qua là hộ ông Chiêng Coóng Hồng (thôn Sình Công, xã Liên Hà) đã đóng góp 100 triệu đồng làm mới 1 km đường nông thôn, hộ ông Nguyễn Việt Thái (thôn Hoàn Kiếm 3, xã Nam Hà) và hộ bà Lê Thị Hiện (thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà) đã hiến 6.000m2 đất/hộ để xây dựng trường mẫu giáo thôn.
Xây dựng nông thôn mới là chương trình của dân và vì dân, do vậy việc nhân dân tự nguyện đóng góp thi công các công trình phúc lợi xã hội, công trình hạ tầng nông thôn đã và đang là phong trào sâu rộng ở Lâm Hà và Đam Rông cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh và là động lực quan trọng để chương trình này sớm về đích.
ĐỨC HƯNG