Ngành chè Lâm Đồng qua hiện vật và hình ảnh

03:12, 26/12/2012

Không có tham vọng khái quát lại toàn bộ lịch sử ngành chè địa phương, mà mục đích của BTC Tuần Văn hoá Trà năm 2012 chỉ là tập hợp những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến ngành chè Lâm Đồng. Qua đó, giới thiệu cho du khách biết một cách sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của ngành chè Lâm Đồng.

Không có tham vọng khái quát lại toàn bộ lịch sử ngành chè địa phương, mà mục đích của BTC Tuần Văn hoá Trà năm 2012 chỉ là tập hợp những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến ngành chè Lâm Đồng. Qua đó, giới thiệu cho du khách biết một cách sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của ngành chè Lâm Đồng. Và, “Nhà trưng bày các hình ảnh, hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của ngành chè Lâm Đồng” đã ra đời với mục đích đó. Hiện, đang được trưng bày tại Doanh nghiệp Hoa Tài Ngọc Châu, số 2 Trần Phú, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc (mở cửa từ ngày 22 đến ngày 28/12/2012).

Cối vò chè thời Pháp thuộc
Cối vò chè thời Pháp thuộc

 

Cây chè bắt đầu được trồng trên đất Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (TP Đà Lạt). Sau đó, lan xuống cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm… Trước năm 1975, diện tích trồng chè của tỉnh Lâm Đồng là 6.000 ha. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất sang thị trường London (Anh). Từ năm 1975 - 1986, diện tích trồng chè tăng lên thành 7.484 ha, sản lượng 4.500 tấn/ năm, thị trường tiêu thụ là các nước Đông Âu và bán ở trong nước. Từ năm 1987 đến nay, diện tích trồng chè trên toàn tỉnh là 25.000 ha, sản lượng trên 33.000 tấn/ năm, được bán trong nước và xuất sang thị trường các nước, giá trị sản lượng trên 368 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 55.000 lao động. Toàn tỉnh hiện có gần 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh chè. Sản phẩm được xuất đi hầu hết các nước tiêu thụ chè trên thế giới.

Để hình thành Nhà trưng bày về ngành chè này, BTC Tuần Văn hoá Trà đã gửi công văn kêu gọi các xã, phường, các đơn vị, cơ sở chế biến trà và nhân dân cùng BTC tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật, hình ảnh đang lưu lạc ở nhiều nơi, rồi tập hợp lại thành một bộ sưu tập hoàn chỉnh. Sau một thời gian, những vật dụng thô sơ được làm bằng nhiều chất liệu: gỗ, tre, sắt… dần dần đã được tập hợp lại, hình thành nên Nhà trưng bày của ngành chè tỉnh Lâm Đồng.

Những hiện vật được xác định rõ tính năng, công suất, năm sản xuất và ai là người chủ sở hữu, như: Sàng chè bằng sắt sản xuất tại Việt Nam năm 1990, công suất 30-40 kg/ giờ, chủ sở hữu là ông Trần Kim Quý (ở 355/ 1 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc). Cối vò chè đen sản xuất năm 1927 tại Pháp, nhãn hiệu Marshall, công suất 180 kg/ 45 phút. Chủ sở hữu là Công ty CP Chè Cầu Đất (thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt). Thiết bị làm héo chè, cối xay chè dùng làm héo chè trước khi vò và xay chè khô sơ chế của DNTN Hoa Tài Ngọc Châu. Sàng chè bằng gỗ sản xuất tại Việt Nam năm 1975. Cối nghiền chè sản xuất tại Việt Nam năm 1980. Cả 2 thiết bị này đều do DNTN Thiên Thành (512 Trần Phú, TP Bảo Lộc) làm chủ sở hữu. Cối vò chè xanh do Việt Nam sản xuất năm 1968, công suất 120-160 kg/ giờ. Chủ sở hữu của hiện vật này là ông Trần Văn Dương (thôn Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc). Ngoài ra, có nhiều hiện vật chưa xác định được thời gian ra đời cũng như ai là chủ sở hữu, gồm: Bồ sấy chè thủ công bằng tre, dụng cụ ép chè bằng gỗ, nia đựng chè, giỏ cần xế, khay đựng chè, xẻng xúc chè, cào 3-5 răng bằng sắt, chảo xào chè bằng gang…

Bên cạnh đó, du khách còn được ngắm nhìn một số hình ảnh các sở trà từ thời Pháp. Đó là những hình ảnh: Công ty Trà Việt Nam - Sở trà Cầu Đất, Nhà máy chế biến trà xây xong vào năm 1931, công nhân hái chè về đang đợi lên gác cân chè, xe Unimog kéo remorque đầy lá chè tươi về nhà máy chế biến, công nhân đang rải lá chè tươi trên các lưới phơi chè ở tầng lầu thứ ba, viên đốc công nhà máy đang kiểm tra sản phẩm chè, những thùng chè đợi xuất cảng…

Trong khuôn viên gần 200 m2 của Nhà trưng bày, du khách có thể chắp nối, xâu chuỗi lại những hình ảnh, hiện vật đang được trưng bày, để hình dung về lịch sử, về những giá trị truyền thống của nghề chế biến chè thủ công trên đất Lâm Đồng. Có thể những hiện vật được trưng bày ở đây còn thô sơ, nhỏ lẻ. Song, lịch sử bao giờ cũng vậy. Bắt đầu từ cái nhỏ nhất và thô sơ nhất.

Trịnh Chu