Hai mươi năm ở thôn 5 (tên gọi trước đây của xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) ăn hạt bắp, hạt gạo đồi của người Mạ, người Stiêng trồng, uống cái nước của con suối Bê Đê, hít cái hơi thở ngọt lành của dãy Bù xa Lu xiên có lẽ cô đã trở thành người của buôn làng…
Cô giáo Long |
Hai mươi năm ở thôn 5 (tên gọi trước đây của xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) ăn hạt bắp, hạt gạo đồi của người Mạ, người Stiêng trồng, uống cái nước của con suối Bê Đê, hít cái hơi thở ngọt lành của dãy Bù xa Lu xiên có lẽ cô đã trở thành người của buôn làng, mà “quên đường” xuống núi. Có lẽ tôi hồ đồ khi đoán định, bởi con đường “nhọc nhằn” chông chênh của ngày xưa lên thôn 5, giờ đã được san bạt, dễ dàng lên xuống, cô vẫn chẳng muốn về. Những mái đầu khét nắng, những đôi chân trần hằng ngày đến lớp của lũ trẻ trong buôn, đã trở thành “bùa mê” níu giữ chân cô ở lại.
Cô tóm tắt cho tôi bản “sơ yếu lý lịch” và quá trình hoạt động khá sơ sài: Lê Thị Long – sinh năm 1973, hiện tại là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đồng Nai Thượng. Là 1 trong 3 người đầu tiên lên dựng trường, đứng lớp ở thôn 5 từ 20 năm trước.
Lời giới thiệu đủ đầy, ngắn gọn, dẫu sau đó là một nụ cười hiền lành vẫn khiến tôi chưng hửng. Không gặng hỏi, nhưng tôi biết tất cả những yêu thương, những dịu dàng, những chở che cô đã dành phần lớn cho lũ trẻ bản địa ở Đồng Nai Thượng trong suốt hai mươi năm qua. “Tình thương với lũ trẻ nghèo khó, thiếu hụt đủ điều, đói cái chữ”, có lẽ là lý giải dễ hiểu nhất với một người đã miệt mài bán buôn, đứng lớp suốt cả một thời son trẻ như cô giáo Long. Bởi ở dưới núi, cách đó vài chục cây số, nơi thị trấn Cát Tiên là gia đình cô, một gia đình hạnh phúc, cơ ngơi khang trang, những đứa con thông minh và một người chồng thành đạt.
Hai mươi năm trước lên núi “gieo chữ”, vận động mãi cũng chỉ vài chục học sinh “đa dạng” lứa tuổi đến lớp. Hai mươi năm sau, trường lớp đã đàng hoàng, có điện lưới, có nơi ăn chốn ở riêng cho đội ngũ thầy cô, cô nói “Thế đã là hạnh phúc”. Ngày lên buôn, tối không dám rời xa đèn dầu trong lán vì sợ thú dữ, chỉ biết giấu khát khao của thời con gái vào viên phấn, truyền cái chữ cho lũ trẻ. Bây giờ, học trò ngày xưa của cô đã có người làm đến chủ tịch xã. “Điểu K’Giá, Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng, là học trò của cô ngày xưa đó!” - một lần hiếm hoi trong cuộc trò chuyện, cô khoe với tôi. Vẫn đều đặn một tiếng “chào cô” khi giáp mặt, dù học trò ngày xưa nhiều người đã trưởng thành, đã là “ông nọ, bà kia” ở xã, dưới huyện. Hạnh phúc vậy đã đủ đong đầy.
Hơn mười năm dạy tiểu học, là người hiểu được những yêu ghét của lũ trẻ nơi đây, nên khi có quyết định thành lập trường mầm non vài năm trước, cô đã được tin tưởng, giao cho nhiệm vụ mới. Làm Hiệu trưởng Trường Mầm non, với cô, có lẽ đây cũng như một sự bắt đầu. Bởi dù làm gì, trên cương vị nào, cô cũng đã là người của bản, chẳng dễ rũ bỏ để mà quay về.
Cô vẫn mong, ở Đồng Nai Thượng sẽ sớm được đầu tư xây trường mầm non, để lũ trẻ có không gian học riêng, vì hiện tại vẫn còn phải học chung trường với các bậc học trên, rất bất tiện cho việc dạy và học. Với tôi, đó như một lời nhắn nhủ.
LINH ĐAN