Những người làm nên thương hiệu trà B’lao

04:12, 23/12/2012

Nếu như người Pháp có công trong việc “khai sinh” ra vùng chè B’lao, thì những người con của TP Bảo Lộc là những người có công đầu trong việc xây dựng nên một thương hiệu trà nổi tiếng - trà B’lao.

Nếu như người Pháp có công trong việc “khai sinh” ra vùng chè B’lao, thì những người con của TP Bảo Lộc là những người có công đầu trong việc xây dựng nên một thương hiệu trà nổi tiếng - trà B’lao.

Tôn vinh cho 8 tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành chè
Tôn vinh cho 8 tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành chè

Gia đình 4 đời làm trà

Theo Phòng kinh tế TP Bảo Lộc, trong số những doanh nghiệp và gia đình làm trà đã góp phần làm nên thương hiệu trà B’lao nổi tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng, có thể kể đến như gia đình cụ Đỗ Thị Ngọc Sâm (trà Đỗ Hữu), trà Bảo Tín, Trâm Anh, Thuận Ký, Ngọc Trang…

Ông Vũ Hùng Anh (63 tuổi, chủ doanh nghiệp trà Trâm Anh) thổ lộ, ông không biết cây chè đã cắm rễ trên đất B’lao từ khi nào, nhưng tuổi thơ của ông gắn liền với những đồn điền chè - hầu hết là các đồn điền của người Pháp ngút ngát chạy dài từ chân đèo Bảo Lộc đến tận Di Linh. Cũng theo ông Hùng Anh, bản thân ông là một trong những người gắn bó với nghiệp trà từ rất sớm trên vùng trà B’lao - TP Bảo Lộc ngày nay. Còn gia đình ông thì có tới 4 đời đeo bám, gắn bó với nghề trồng chè và chế biến trà. Bản thân ông là đời thứ 3 nối nghiệp nghề làm trà của ông ngoại Vũ Xuân Phương - người làm nên thương hiệu trà Chín Phương, đến bố Vũ Xuân Nghiêm với thương hiệu trà Vạn Xuân, rồi ông lấy thương hiệu trà Trâm Anh, nay người con gái út lại tiếp nối nghiệp trà của gia đình và tiếp tục xây dựng thương hiệu trà Trâm Anh.

Cơ sở chế biến trà Trâm Anh hiện đang hoạt động với quy trình khép kín, chế biến và ướp trà hương, cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn trà/năm. Ngoài việc nhập nguyên liệu của người trồng trà trong vùng, Trâm Anh còn tự đầu tư trồng 20 ha chè ô long để làm nguyên liệu chế biến trà cao cấp. Và cơ sở Trâm Anh còn là điểm dừng chân thưởng thức trà miễn phí quen thuộc của các tour du lịch Sài Gòn - Đà Lạt.

Bà chúa “trà hương”…

Là người con gốc Huế, bà Đỗ Thị Ngọc Sâm - bà chủ cửa hiệu trà Đỗ Hữu là một trong những người gắn bó với nghề làm trà hương từ rất sớm trên vùng đất B’lao, được nhiều người gọi tên là bà chúa “trà hương”.

Năm nay Bà Sâm đã bước sang tuổi 88, nhưng ký ức về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất B’Lao của bà vẫn vẹn nguyên. Bà kể, vào những năm đầu của thập niên 1950 thế kỷ trước, bà theo mẹ và anh trai từ Huế vào B’Lao làm ăn. Những ngày đầu, do chưa có vốn liếng, gia đình bà phải đi làm thuê cho các đồn điền trà của Pháp, công việc chính là cắn hạt trà (bóc vỏ trà để lấy hạt làm giống). Vừa làm thuê kiếm sống, gia đình bà vừa khai khẩn đất đai để trồng trà. Thế nhưng để cho ra được ký trà thành phẩm đầu tiên cũng phải mất hơn 5 năm sau, lúc đầu chỉ là “trà bồ”, sản phẩm làm ra được gói trong giấy báo chứ chưa có bao bì hay nhãn hiệu gì cả. Còn nghiệp làm trà ướp hương đến với bà cũng thật tình cờ. Trong một lần uống trà, anh trai bà ngẫu hứng hái bông hường vi thả vào tách trà, uống thấy thơm ngon nên bảo bà ướp thử. Bà liền mua 2 chiếc bồ để ướp trà với hoa hường vi, lúc đầu chỉ để uống, sau này nhiều người đến nhà chơi, uống thử thấy ngon đã đặt mua làm quà. Đến khi nhu cầu tăng lên, bông hường vi không đủ để ướp (vì cây hường vi không hợp khí hậu vùng B’Lao), bà trồng thêm vườn hoa sói, hoa lài. Bà tâm sự: “Mỗi loại hương có một cách ướp khác nhau, nên phải tốn nhiều công sức để làm thử, mẻ nào không thơm ngon thì đổ bỏ, qua thời gian sẽ đúc kết được bí quyết”.

Trà ngon, nên dù thời gian đầu chưa có thương hiệu, bao bì (chỉ gói bằng giấy báo) nhưng khách du lịch tuyến Sài Gòn - Đà Lạt vẫn tấp nập ghé mua. Nghe lời góp ý của khách, bà Sâm nghĩ đến việc đặt nhãn hiệu cho sản phẩm trà hương để người mua dễ nhớ. Và từ đó, nhãn trà Đỗ Hữu với biểu tượng con bồ câu trắng ra đời, nổi danh cho đến ngày nay.

Đa dạng hoá sản phẩm

Khác với chế biến trà thủ công - “trà bồ” như ngày xưa, nay công nghệ ướp hương trà đã được nâng lên một bậc. Nhiều doanh nghiệp chuyên về ướp hương trà đã đầu tư trang thiết bị máy móc trị giá hàng trăm triệu đồng để mở rộng thị trường.

Trong số này có ông Trần Đại Bình, Giám đốc Kinh doanh của DNTN trà Thiên Thành (TP Bảo Lộc). Theo ông Bình, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại mà nay mỗi tháng trà Thiên Thành sản xuất được 20 - 30 tấn trà các loại, chủ yếu là trà ướp hương, trà túi lọc và trà ô long. Ngoài những dòng sản phẩm cao cấp, gia đình hướng đến phân khúc thị trường giá rẻ, bình dân nên nhờ đó mà thị trường được bao phủ hầu khắp các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Bắc, miền Nam, từng bước tạo đầu ra cho sản phẩm và đưa hương trà B’lao ngày một lan xa.

THUỴ TRANG