
Họ đến từ hai quốc gia vùng Đông Bắc Á. Ở một góc độ nào đó, văn hoá của 2 quốc gia này có những nét tương đồng với văn hoá Việt. Cả 2 là thầy giáo đang dạy tiếng quốc gia họ cho sinh viên Đại học Đà Lạt.
![]() |
Thầy giáo Ahn Jeong Ho |
Họ đến từ hai quốc gia vùng Đông Bắc Á. Ở một góc độ nào đó, văn hoá của 2 quốc gia này có những nét tương đồng với văn hoá Việt. Cả 2 là thầy giáo đang dạy tiếng quốc gia họ cho sinh viên Đại học Đà Lạt.
5 giờ chiều khi tôi đến thăm, thầy giáo Ahn Jeong Ho vẫn đang làm việc ở Trung tâm Việt - Hàn của Đại học Đà Lạt. Ông đang soạn giáo trình cho sinh viên. Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của trường làm chỗ ở cho giáo viên nước ngoài còn có con trai ông. Khi qua Đà Lạt dạy học ông mang theo cả cậu con trai, đang tự học lớp 10 cùng ông ở nhà. Con ông không nói được tiếng Việt, nhưng có thể đoán người đối diện nói gì, còn ông thì đã diễn đạt được ý nghĩa của mình bằng tiếng Việt khá trôi chảy, dù mới chỉ học được gần 2 năm, tất nhiên vẫn có chút lơ lớ.
Thầy giáo Ahn cho biết, ông sinh năm 1963, người ở thành phố Gyeong Ghi Do, gần Pusan. Nguyên là một giáo viên tiểu học lâu năm, ông muốn một chút thay đổi nên đăng ký đi dạy tình nguyện tiếng Hàn ở những quốc gia cần học. Ông chọn Việt Nam vì đã từng du lịch đến đây nhiều lần. Theo ông, sinh viên Việt học tiếng Hàn có gặp khó khăn ban đầu vì chữ viết 2 quốc gia rất khác nhau, nhưng khi đã bắt nhịp được thì học rất tốt. Gần 2 năm dạy học tại Việt Nam ông cho rằng sinh viên Việt: chăm chỉ, cởi mở, nhiệt tình, nhưng so với sinh viên Hàn Quốc thì “bên này sinh viên vừa học vừa chơi, chứ bên nước tôi học căng thẳng lắm”. Đó là vì, theo ông, Hàn Quốc là nước công nghiệp, phụ thuộc xuất khẩu nên cũng bị ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế thế giới hiện nay. Nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy phải giảm bớt người nên xin việc rất khó, phải lo học tốt mới kiếm được việc.
![]() |
Giáo sư Sakai Mineo |
Một thầy giáo khác được các sinh viên Đại học Đà Lạt biết đến khá nhiều là thầy Sakai Mineo, dạy tiếng Nhật. Năm nay 64 tuổi, ông là giáo sư ngôn ngữ Nhật với trên 20 năm kinh nghiệm chuyên dạy cho người nước ngoài tại một đại học danh tiếng của quốc gia ông. Ông đến Đại học Đà Lạt theo một chương trình hợp tác giữa Chính phủ Nhật với các trường đại học Việt Nam. “Chọn Đà Lạt là một may mắn vì thành phố thanh bình này có khí hậu khá phù hợp với tôi. Mùa mưa nơi đây kéo dài nhưng không sao, ở rồi thấy quen” - ông cười.
Trong căn phòng nhỏ của ông gần kề với phòng thầy giáo Ahn, có rất nhiều sách, sách chất thành 2 dãy kệ dài theo tường. Sách này ông mang theo khi sang Việt Nam hoặc từ trường gửi sang cho ông, rất nhiều trong số này là giáo trình, tạp chí ngôn ngữ và sách ông tự soạn để dạy cho sinh viên Việt. Tương tự như thầy giáo Ahn dạy tiếng Hàn, ông cho biết do chữ viết tiếng Việt và tiếng Nhật khác nhau, nên lúc đầu sinh viên Việt tiếp cận tiếng Nhật có khó khăn nhất định. “Ở trường chúng tôi khoảng 60% sinh viên là người Trung Quốc, khoảng 20% người Hàn Quốc (hầu như các trường đại học tại Nhật rất đông sinh viên nước ngoài, nhất là người Trung Quốc). So với sinh viên Việt thì sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc có thuận lợi hơn rất nhiều vì chữ viết khá tương đồng nên nhiều người dù không đọc được bằng tiếng Nhật nhưng đoán được nghĩa”. Tuy nhiên, theo ông, sinh viên Việt khá chịu khó, thích nói chuyện, khi bắt nhịp được thì học khá tốt. “Bên nước tôi sinh viên với thầy cô rất có khoảng cách, còn bên này thầy trò gần gũi hơn”. Chính vì vậy ông luôn để ngỏ cửa, bất kỳ sinh viên nào gặp khó khăn trong học tập có thể đến hỏi ông.
Giống như thầy giáo Ahn, Giáo sư Sakai cũng nhận xét rằng sinh viên Việt Nam tính tự học chưa cao. “Tôi mong sinh viên Việt mở rộng tầm nhìn của mình ra khỏi biên giới quốc gia, nắm được ngoại ngữ để tiếp cận những điều mới cho việc xây dựng đất nước” - GS Sakai nói.
Tháng 2 sang năm, hết thời hạn làm việc với Đại học Đà Lạt, Giáo sư Sakai sẽ về nước, về lại trường đại học nơi ông công tác và cũng đến tuổi về hưu (ở Nhật 65 tuổi mới về hưu), nhưng ông mong có dịp sẽ quay lại Việt Nam để dạy học. Đã có không ít người học tiếng Nhật ở ông nay đang là du học sinh hoặc làm việc tại Nhật. Thầy giáo Ahn cũng thế: “Tôi thích Đà Lạt, thích công việc dạy học nơi đây, rất mến tinh thần hiếu học của các sinh viên. Đôi lúc tôi thấy như không phải ở nước ngoài. Sang năm hết hạn nếu có sức khoẻ, có cơ hội tôi sẽ quay lại Đà Lạt”.
Gia Khánh