Phủ kín trường mầm non đến các xã, phường

03:12, 11/12/2012

Trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã chi trên 131 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động cho các trường mầm non bán công, đặc biệt là cấp kinh phí hoạt động khi các trường này chuyển đổi sang trường công lập.

Trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã chi trên 131 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động cho các trường mầm non bán công, đặc biệt là cấp kinh phí hoạt động khi các trường này chuyển đổi sang trường công lập.

Bữa ăn trưa cho trẻ bán trú tại một trường mầm non
Bữa ăn trưa cho trẻ bán trú tại một trường mầm non


Tính đến cuối tháng 10/2012, toàn tỉnh có 211 trường mầm non (MN) trong tổng số 695 trường học hiện có tại Lâm Đồng, tăng 11 trường so với năm học trước đó. Trong số trường MN này, có 169 trường công lập và hệ thống công lập tương đối rải đều ở 146 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Theo Sở Giáo dục (GD) Lâm Đồng, về cơ bản, mạng lưới trường MN trong tỉnh đã phủ kín đến hầu hết các xã, phường trên địa bàn, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em người dân ở địa phương.

Đưa trường học đến gần với nhà dân, đã góp phần không nhỏ trong việc huy động học sinh MN MG đến lớp. Thống kê của ngành GD cho biết, năm học 2012 - 2013 này, toàn tỉnh có khoảng 58 nghìn cháu trong độ tuổi ra lớp, trong đó số cháu đến nhà trẻ trên 7 nghìn, còn lại thuộc khối mẫu giáo. Theo yêu cầu của tỉnh, hầu hết các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp huy động trẻ đến trường, đặc biệt với các cháu 5 tuổi cho nhiệm vụ phổ cập. Toàn tỉnh đến nay đã huy động được 23.576 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt 99,7%.

Về cơ sở vật chất cho khối MN, đến nay hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các trường MN trên địa bàn mình. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn trước đây chưa có trường nay được tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng mới. Các trường MN được cấp quyền sử dụng đất lâu dài, được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong các hoạt động. Phần lớn các trường đã phối hợp với Hội Phụ huynh học sinh, vận động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ đầu tư, sửa chữa trường lớp, sân chơi cho các em, trồng cây xanh trong trường...

Thực hiện đúng lộ trình mục tiêu phổ cập GD MN trẻ 5 tuổi, trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã hoàn tất việc chuyển đổi toàn bộ 59 trường MN bán công trong tỉnh sang hệ công lập. Trong năm 2011, ngành GD đã được tỉnh bố trí trên 27,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 19,3 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu 8 tỷ) để mua sắm 152 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường công lập, mua 160 bộ đồ dùng học sinh cho các lớp MG 5 tuổi, 374 bộ đồ chơi, học liệu theo danh mục Bộ GD ban hành cho các trường MN, ưu tiên cho các trường trong lộ trình hoàn thành phổ cập 2011 - 2012. Trong năm nay, ngành cũng được tỉnh bố trí trên 13, 5 tỷ đồng cho việc mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho các lớp mẫu giáo, các trường MN trong tỉnh.   

Cùng với hệ thống MN công lập, gần đây, hàng loạt trường tư thục cũng được xây dựng. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong GD, nhiều địa phương  khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào GD, giao đất trong khu đô thị mới, cho thuê đất để xây trường, đặc biệt đối với trường MN. Các huyện, thành làm tốt công tác này có thể kể đến Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng. Tại 3 địa phương này đã có không ít trường MN xây mới, khá hiện đại như Trường MN Thiên Thần Nhỏ tại Đà Lạt; Trường MN Bông Hồng tại Đức Trọng; MN Thế giới trẻ em, Bá Thiên, Hoạ Mi tại Bảo Lộc… Không ít các trường MN tư thục đã đạt chuẩn quốc gia.  

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.192 giáo viên đang dạy các lớp MN 5 tuổi, trong đó trên 91% giáo viên đạt chuẩn (hiện vẫn còn 106 giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo nhưng do nhu cầu các lớp học bán trú tăng nên các địa phương hợp đồng thêm để phụ đứng lớp vào buổi chiều). Ngành GD đang tiếp tục triển khai việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý của các trường MN, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho giáo viên để thực hiện tốt chương trình GD MN mới, khuyến khích giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn, đảm bảo thực hiện việc phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi ở các vùng này; tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên MN đang công tác trong vùng dân tộc để có thể giao tiếp với trẻ em người dân tộc thiểu số tốt hơn.

Một điểm sáng của ngành GD Lâm Đồng sau 2 năm thực hiện kế hoạch phổ cập GD MN 5 tuổi là toàn bộ các trường MN hầu như đã cho học sinh học 2 buổi/ngày hoặc bán trú. Số trẻ 5 tuổi học bán trú của tỉnh đến nay chiếm khoảng 82%. Tất cả các trường MN đều thực hiện chương trình GD MN mới với 1.790 nhóm lớp, trong đó nhà trẻ 254 nhóm, mẫu giáo 1.536 lớp. Để huy động trẻ 5 tuổi đến lớp, ngành GD đã thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí học tập, thực hiện chế độ miễn giảm, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 5 tuổi theo các quyết định của tỉnh.  

Tuy nhiên, theo ngành GD Lâm Đồng, vẫn còn không ít khó khăn trong công tác phổ cập GD MN 5 tuổi, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Hiện còn 13 xã trong tỉnh, đặc biệt là các xã khó khăn của 3 huyện phía nam Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tuy đã thành lập mới nhưng các trường MN chưa có cơ sở cho riêng mình, vẫn phải mượn phòng để dạy học. Cùng đó, tại nhiều trường MN được xây dựng trước đây, nay đang bị xuống cấp, hết hạn sử dụng; nhiều nhà MG độc lập công trình vệ sinh cho các cháu chưa đảm bảo. Nhìn chung việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia trong tỉnh vẫn còn chậm; đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu khi các trường đồng loạt triển khai dạy học 2 buổi/ngày.

Theo Sở GD Lâm Đồng, trong giai đoạn đến, ngành GD vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho trẻ em vùng sâu, vùng nông thôn khó khăn để huy động toàn bộ số trẻ MG 5 tuổi ra lớp, đảm bảo phổ cập MG 5 tuổi. Trong khi xây dựng mạng lưới trường lớp MN, ngành sẽ ưu tiên xây dựng trường lớp cho các vùng khó khăn theo hướng hiện đại hoá. Theo lộ trình của ngành, trong 3 năm đến sẽ phấn đấu ít nhất có 4 trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, riêng trong năm 2013 phải đảm bảo có đủ phòng học 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp 5 tuổi. Kế hoạch đào tạo mới 300 giáo viên, nhằm đáp ứng đủ lượng giáo viên đứng lớp các lớp MG 5 tuổi cũng được ngành GD tỉnh đưa ra, song song với việc nâng chuẩn cho giáo viên MN hiện nay lên trình độ cao đẳng.

Gia Khánh