Giảng viên Đào Vĩnh Lộc (Khoa Môi trường - ĐH Yersin, Đà Lạt) là cán bộ công chức trẻ duy nhất của Lâm Đồng trong số 77 cán bộ, công chức trẻ, giỏi toàn quốc được tuyên dương vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Vừa trở về từ Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ V và lễ trao giải thưởng “Cán bộ, công chức trẻ, giỏi” 2012 do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, giảng viên trẻ Đào Vĩnh Lộc lại bắt tay ngay vào công việc giảng dạy. Đây là chương trình nhằm ghi nhận những thành tích của các đoàn viên đã tích cực tham gia công tác Đoàn - Hội - Đội; có ảnh hưởng tốt đối với tập thể; có thành tích xuất sắc trong công tác tại cơ quan, đơn vị; có sáng kiến, ý tưởng và đảm nhận các mô hình, hoạt động có hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn đã được áp dụng vào thực tiễn.
Giảng viên Đào Vĩnh Lộc bên các mô hình nghiên cứu xử lý nước thải trong phòng thí nghiệm (Khoa Môi trường - ĐH Yersin, Đà Lạt) |
Giảng viên Đào Vĩnh Lộc (Khoa Môi trường - ĐH Yersin, Đà Lạt) là cán bộ công chức trẻ duy nhất của Lâm Đồng trong số 77 cán bộ, công chức trẻ, giỏi toàn quốc được tuyên dương vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Trong khi nguồn nước tưởng chừng vô tận cũng đang có nguy cơ bị cạn kiệt, với quan niệm nước là mẹ của sự sống (cả với con người và thiên nhiên), Đào Vĩnh Lộc tập trung đi sâu vào nghiên cứu ô nhiễm nguồn nước và xử lý nước thải, làm sạch môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Hoàn thành chương trình cao học của mình tại Trường ĐH Bách Khoa Tp.Hồ Chí Minh, anh đã chọn đề tài luận văn tốt nghiệp Xử lý nitơ trong nước rỉ rác bằng mô hình SNAP với giá thể BIOFIX. Công trình nghiên cứu cho thấy tính hiệu quả trong việc xử lý nước thải có nồng độ nitơ cao và chất hữu cơ thấp, như là nước rỉ rác, nước sau bể biogas… Đặc biệt, mô hình SNAP này không tạo khí nhà kính (N2O) giúp bảo vệ môi trường và giảm được chi phí vận hành so với các công nghệ xử lý nitơ trước đây. Bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, Đào Vĩnh Lộc đã giành điểm tuyệt đối 10/10. Công trình của anh trước hết có thể ứng dụng để làm sạch hồ Xuân Hương - Đà Lạt, vì những năm gần đây lượng nước thải đổ về hồ rất lớn gây ô nhiễm, sau đó có thể áp dụng rộng khắp ở Việt Nam cũng như châu Á.
Với tính khoa học và giá trị ứng dụng thực tiễn, công trình nghiên cứu của Đào Vĩnh Lộc đã đưa anh đến với 2 hội thảo quốc tế lớn về môi trường tại nước Nhật và Thái Lan. Kết quả của đề tài còn được đăng trên các tạp chí như Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (7/2012), Quốc tế Khoa học và Kỹ thuật sinh học của Ấn Độ (9/2012). Tháng 9/2012, anh được tổ chức DAAD (Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức) mời tham gia khoá đào tạo về “Quản lý tài nguyên nước bền vững 2012” tại Đại học Ilmenau, Đức và được tham quan nhiều cơ sở hạ tầng về xử lý nước và nước thải của Đức.
Công việc gì cũng có đỉnh cao của nó, để đạt được đỉnh cao phải có niềm đam mê. Những giờ lên giảng đường, ngoài việc truyền đam mê vào từng bài giảng, mang đến cho sinh viên kiến thức về môi trường, Đào Vĩnh Lộc còn truyền cho các em tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường sống. Trong khi con người đang phát triển kinh tế theo xu hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ mà không nghĩ đến thế hệ con cháu mai sau. Môi trường sống không kịp tái sinh, dẫn đến suy thoái, cạn kiệt, sinh ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững trước hết là trách nhiệm của những người làm công tác môi trường… Nói đến môi trường sống, Đào Vĩnh Lộc lại liên tưởng và khẳng định: “Với tình yêu thiên nhiên vẫn chưa đủ, để đạt được thành tích nghiên cứu khoa học là do tôi may mắn có môi trường làm việc tốt, có các đồng nghiệp, có những người thầy khơi dậy cho mình niềm đam mê. Đặc biệt, các thế hệ sinh viên là niềm cổ vũ lớn lao để tôi đạt được những thành công trong việc nghiên cứu, giảng dạy”.
QUỲNH UYỂN