Sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa trong phát triển du lịch

03:12, 16/12/2012

Từ nhiều năm qua, Lâm Đồng xác định những giá trị về văn hóa và lịch sử của các di sản trên địa bàn tỉnh là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo của sản phẩm du lịch địa phương...

“Hạn chế và khắc phục sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm du lịch, loại hình du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, loại hình du lịch theo hướng phát triển các giá trị đặc trưng nhằm giảm thiểu tính “thời vụ” và gia tăng “vòng đời” của sản phẩm du lịch, loại hình du lịch ở Lâm Đồng” là một trong những mục tiêu chung của đề án “Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa nhằm phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn 2020” vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng hai năm được tổ chức một lần là một trong những giá trị văn hóa để ngành du lịch khai thác.
Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng hai năm được tổ chức một lần là một trong những giá trị văn hóa để ngành du lịch khai thác.


NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC BIỆT

Từ nhiều năm qua, Lâm Đồng xác định những giá trị về văn hóa và lịch sử của các di sản trên địa bàn tỉnh là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo của sản phẩm du lịch địa phương. Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 23 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt là mới đây, Vườn quốc gia Cát Tiên của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (trong số 11 di tích cả nước được xếp hạng đợt 3). Cũng tại Cát Tiên, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên còn là một điểm dừng chân lý thú của du khách. Ngoài ra, ở Lâm Đồng, các giá trị văn hóa là cốt lõi để phát triển du lịch còn phải kể đến là không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. Gần đây, tỉnh cũng đã ra quyết định công nhận 6 làng nghề truyền thống của Lâm Đồng; trong đó bao gồm 3 làng hoa của cư dân Việt và 3 làng dệt thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bản địa. Cùng đó, các giá trị văn hóa làm cốt lõi để phát triển du lịch ở Lâm Đồng còn có thể kể ra đây như hoạt động festival hoa và lễ hội văn hóa chè hai năm tổ chức một lần tại Đà Lạt và Bảo Lộc. Bên cạnh đó, tại Đà Lạt, kỳ vọng về một bảo tàng kiến trúc cổ sẽ được hình thành trong tương lai gần cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc làm tôn các giá trị văn hóa của Lâm Đồng trong khai thác du lịch.

QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC NHƯ THẾ NÀO?

Lâm Đồng là địa phương được “ban” cho những giá trị văn hóa khá đặc trưng mà không phải bất kỳ địa phương nào cũng có được: Một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà chỉ Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) mới có; một thánh địa Cát Tiên huyền bí có giá trị hấp dẫn du khách rất lớn; đó còn là một làng gốm đặc trưng của người Churu bên dòng Đạ Nhim, một nghề làm nhẫn bạc của người Churu có một không hai ở Lâm Đồng, một “kho” kiến trúc Pháp ở Đà Lạt có từ hơn trăm năm qua khiến cho đô thị Đà Lạt không lẫn vào đâu được… Đặc biệt, theo chủ trương của ngành VH-TT-DL, năm 2012 đã trở thành năm du lịch di sản đầu tiên trong cả nước cũng là một động lực đáng kể để Lâm Đồng “quy hoạch” lại các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Tiếp đến, năm 2014 tới, Lâm Đồng là địa phương được chọn để tổ chức “Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng” có chủ đề chính là “Du lịch xanh Tây Nguyên” cũng là vấn đề đáng lưu ý… Nói điều ấy để thấy rằng, việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa nhằm phát triển sản phẩm du lịch và loại hình du lịch ở Lâm Đồng trong tương lai gần là điều vô cùng cấp thiết.

Xét dưới một góc độ nào đó thì việc phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa – lịch sử của địa phương không những là khai thác một cách có hiệu quả các giá trị đó mà còn là hành động thiết thực nhằm góp phần nâng cao ý thức giữ gìn di tích lịch sử - văn hóa và các giá trị văn hóa đó cho người dân và cho du khách. Bởi vậy, trong đề án “Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa nhằm phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn 2020”, Lâm Đồng đã đặt ra các nội dung công việc cụ thể: Về công tác điều tra cơ bản, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tổng điều tra và kiểm kê tài nguyên du lịch của tỉnh; điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất cơ chế, giải pháp khai thác di tích danh lam thắng cảnh; nghiên cứu vấn đề bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các dân tộc gắn với du lịch; và lập quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Về công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn, ngoài việc ban hành quy chế đa dạng hóa và phát triển sản phẩm du lịch và loại hình du lịch trên địa bàn, Lâm Đồng cũng sẽ đầu tư hình thành và phát triển 5 – 10 mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái theo hướng sử dụng tài nguyên là di sản văn hóa các dân tộc địa phương; mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức về quyền lợi trong việc sử dụng có hiệu quả các di sản văn hóa; tổ chức học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác trong nước; và, cuối cùng là mở các lớp tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa và du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch ở Lâm Đồng.

KHẮC DŨNG