Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

02:12, 13/12/2012

Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của phát triển KT-XH theo hướng CNH-HĐH và hội nhập quốc tế theo xu thế tất yếu hiện nay là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Về mục tiêu cụ thể, Lâm Đồng xác định: Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đến năm 2015 đạt từ 48% - 50%, và đến năm 2020 là 68% - 70%.

Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của phát triển KT-XH theo hướng CNH-HĐH và hội nhập quốc tế theo xu thế tất yếu hiện nay là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Về mục tiêu cụ thể, Lâm Đồng xác định: Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đến năm 2015 đạt từ 48% - 50%, và đến năm 2020 là 68% - 70%.

Đào tạo thợ thêu tay tại DNTN Hữu Hạnh. Ảnh: Ngọc Minh
Đào tạo thợ thêu tay tại DNTN Hữu Hạnh. Ảnh: Ngọc Minh


Nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, có thể phân nguồn nhân lực chất lượng cao theo các ngành du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản; và tiếp đến là đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân.

Theo cách tính của các nhà chuyên môn (được thể hiện tại Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt) thì đến năm 2020, dân số cả tỉnh sẽ có khoảng 1,4 triệu người; trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 943.000 chiếm 67,4% dân số toàn tỉnh. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, tổng số lao động toàn tỉnh tham gia vào các ngành KT-XH là 771.000 người; trong đó, chiếm cao nhất là lực lượng lao động trên lĩnh vực nông lâm nghiệp – 45,5%.

Ở lĩnh vực du lịch, theo ước tính của các nhà chuyên môn, cả tỉnh hiện có gần 9.000 lao động, tăng khoảng 6.000 người so với năm 2001. Trong đó, lao động có trình độ trên đại học và đại học chiếm khoảng 10% - tăng 7% so với năm 2001; lao động có trình độ từ cao đẳng trở xuống trình độ sơ cấp từ 22% năm 2001 đã tăng lên trên 50% hiện nay. Ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện cả tỉnh có trên 10.000 lao động đang làm việc; trong số đó có khoảng 50% đã qua đào tạo… Cùng đó, cả tỉnh hiện có 29.000 người thuộc đội ngũ trí thức, chiếm gần 5% lao động toàn tỉnh và tăng 18.000 người so với cách nay 10 năm. Trong đội ngũ trí thức, hiện có khoảng 1.300 người hoạt động trên lĩnh vực khoa học công nghệ ; trong đó, đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ và phó giáo sư chiếm khoảng 500 người.

Nhìn chung, lực lượng lao động chất lượng cao của tỉnh Lâm Đồng đã tăng đáng kể hằng năm; tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho sự phát triển. Quan điểm của tỉnh đặt ra về phát triển nguồn nhân lực theo cấp bậc đào tạo là: “Tập trung tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng nhân lực trên mọi ngành, mọi lĩnh vực; ưu tiên đào tạo phát triển nhân lực có chất lượng trong các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp khai thác khoáng sản của tỉnh…”. Ở một vài ngành cụ thể, như ngành công nghiệp – xây dựng, đến năm 2020, cả tỉnh có khoảng 160.000 lao động làm việc thì yêu cầu đặt ra là phải có 83,1% trong số đó được đào tạo. Ở ngành dịch vụ, yêu cầu đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo phải đạt 84,9%; như vậy, từ nay đến năm 2015 phải tiếp tục đào tạo trên dưới 40% lao động toàn ngành, và đến 2020 tiếp tục đào tạo thêm 24,3% (ước đến năm 2020, cả tỉnh có 260.000 lao động làm việc trong ngành dịch vụ). Hoặc như ở lĩnh vực du lịch, đến 2020 sẽ có 22.000 lao động; yêu cầu đặt ra là trong số đó phải có 71,8% lao động qua đào tạo; như vậy, từ nay đến 2020 sẽ có thêm 6.000 lao động được đào tạo mới.

Để có được đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, Lâm Đồng cũng đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện như các giải pháp về nâng cao nhận thức và đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực; giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trung ương, các tỉnh bạn và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực; xây dựng các đề án, dự án ưu tiên nhằm đảm bảo sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cho địa phương…

KHẮC DŨNG