“Trò chuyện” với học sinh

03:12, 18/12/2012

Được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu phòng chống bạo lực trong học đường, đầu năm học 2012- 2013, ngành GD Lâm Đồng bắt đầu triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường cho tất cả các trường trung học từ THCS đến THPT trong tỉnh.

Được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu phòng chống bạo lực trong học đường, đầu năm học 2012- 2013, ngành GD Lâm Đồng bắt đầu triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường cho tất cả các trường trung học từ THCS đến THPT trong tỉnh.

Sự cần thiết

Theo Công an Lâm Đồng, trong năm học 2011-2012 vừa qua, toàn tỉnh có 263 vụ liên quan đến bạo lực học đường trong học sinh sinh viên, trong đó có 1 vụ giết người; 24 vụ trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản; 44 vụ đánh nhau gây thương tích; 82 vụ đánh nhau gây rối trật tự; 29 vụ trộm cắp vặt; 3 vụ đập phá tài sản; 59 vụ vô lễ với giáo viên; 7 vụ bỏ học kết băng nhóm đánh nhau; 14 vụ sử dụng chất gây nghiện. So với 2 năm học trước đó, số vụ có giảm bớt (năm học 2010-2011 có 291 vụ, trong đó có 3 vụ giết người; năm học 2009-2010 có 232 vụ, trong đó cũng có 3 vụ gây tử vong) nhưng mức độ nghiêm trọng thì không giảm, chẳng hạn việc đánh nhau gây thương tích, việc sử dụng chất gây nghiện lại tăng nhanh.   

Không chỉ có vấn nạn bạo lực, trường học còn đối mặt với rất nhiều vấn đề khác mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Năm 2010, trong một nghiên cứu về “Stress của học sinh trung học phổ thông” do các học sinh Trường Chuyên Thăng Long Đà Lạt thực hiện, trên 200 đối tượng là học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 được hỏi ý kiến về nguyên nhân dẫn đến “stress” trong học đường, trên 60% trả lời là do chương trình học quá nặng. Giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra: trên 87% học sinh được hỏi đã đề nghị nên thành lập câu lạc bộ để tư vấn giúp học sinh giảm bớt “stress”.

Theo thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Đình Chắt, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, có không ít những nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực học đường hiện nay. Trước nhất là những thay đổi nhanh về thang bậc giá trị căn bản trong xã hội đã tác động không nhỏ đến lứa tuổi học đường, dẫn đến mất phương hướng trong việc điều chỉnh hành vi. Thứ hai, đây là lứa tuổi mà các nhà làm giáo dục đặt tên là “tuổi khủng hoảng”, là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý đang rất cần sự giúp đỡ. Cùng đó, áp lực học tập từ gia đình, nhà trường và xã hội đến với từng học sinh cũng không nhỏ. Trường học với chương trình học tập nặng nề, sức ép về thi đua, thành tích; tại nhà, với khoảng cách về thế hệ, bận rộn mưu sinh, cha mẹ ít có thời gian nói chuyện với con cái.

Cần sự quan tâm

Ngay đầu năm học 2012-2013, Sở GD Lâm Đồng đã có công văn yêu cầu các trường trung học trong tỉnh (bao gồm trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường tại đơn vị mình. Để chuẩn bị cho công tác này, trước đó, Sở GD đã tổ chức tập huấn tư vấn học đường cho tất cả các trường trung học trong tỉnh.

Cho đến nay, theo ông Nguyễn Quốc Tuý, Phó Phòng Trung học Sở GD Lâm Đồng, hầu hết các trường THCS và THPT trong tỉnh đã thành lập tổ tư vấn học đường. Tổ này bao gồm một số giáo viên, chủ yếu là giáo viên dạy công dân, làm công tác đoàn đội, có khả năng tư vấn, nói chuyện được với học sinh, tổ sẽ do một Phó Hiệu trưởng phụ trách. Theo quy định sẽ có một phòng riêng dành cho tổ tư vấn làm việc, nhưng nhiều trường chưa có đủ phòng ốc, nên đã phải bố trí phòng tư vấn này tại phòng Đoàn - Đội, Công đoàn hay phòng Truyền thống. Theo yêu cầu, các giáo viên tổ tư vấn tâm lý sẽ cùng các giáo viên chủ nhiệm lớp phát hiện những học sinh có biểu hiện “rối nhiễu” về tâm lý để “trò chuyện, tìm hiểu các em, phối hợp với gia đình, Ban Giám hiệu cùng tìm giải pháp trợ giúp. Đã có không ít trường đến nay đang làm rất tốt hoạt động này như THPT Phan Bội Châu - Di Linh, THPT Đức Trọng, Dân tộc Nội trú Lâm Hà…

Tuy nhiên, theo ông Tuý, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hệ thống tư vấn học đường này đi vào bài bản hơn. Do đây là một hoạt động còn rất mới (dù nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM đã thực hiện từ lâu và đang làm rất tốt) nên giáo viên được phân công vẫn còn rất bỡ ngỡ. Nhiều trường đến nay chỉ thành lập phòng tư vấn cho có, nặng về hình thức, đối phó. Cùng đó, tài liệu, việc tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ này vẫn chưa nhiều, nên các trường còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Chính vì vậy, theo ông Tuý, trước nhất, Ban Giám hiệu các trường cần quan tâm hơn đến công tác này, khuyến khích phát huy tính sáng tạo của giáo viên làm công tác tư vấn. Về lâu dài, ngành GD cần có một chế độ chính sách phù hợp cho những giáo viên làm tư vấn học đường, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể để giúp các giáo viên này có kiến thức cùng kỹ năng chuyên môn tốt hơn cho công việc đang làm.

Viết Trọng