Có những nhà giáo tuy tuổi đời, tuổi nghề chưa phải lớn, nhưng chịu khó rèn luyện ở những môi trường công tác đầy khó khăn, gian khổ, nên đã sớm bộc lộ tư cách, bản lĩnh và trưởng thành nhanh chóng về nghề nghiệp...
Có những nhà giáo tuy tuổi đời, tuổi nghề chưa phải lớn, nhưng chịu khó rèn luyện ở những môi trường công tác đầy khó khăn, gian khổ, nên đã sớm bộc lộ tư cách, bản lĩnh và trưởng thành nhanh chóng về nghề nghiệp. Một trong những nhà giáo như vậy là Hiệu phó Trường THCS và THPT Lộc Bắc - Trần Sĩ Huỳnh (1981).
Thầy giáo Trần Sĩ Huỳnh quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh năm 2004 và được nhận về Trường THPT Nghĩa Đàn dạy bộ môn toán. Sau 2 năm dạy học tại đây, thầy giáo Huỳnh chuyển vào làm giáo viên dạy toán ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Lâm. Năm 2006, Trường THCS và THPT Lộc Bắc được thành lập, nhu cầu giáo viên dạy cấp III còn thiếu, thầy lại được chuyển vào làm giáo viên dạy toán và giữ cương vị Chủ tịch Công đoàn của Trường THCS và THPT Lộc Bắc.
Những ngày đầu công tác tại một trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng không làm nhụt ý chí phấn đấu của người giáo viên trẻ này. Ngoài việc cùng với các đồng nghiệp sáng, chiều đứng lớp dạy các em học sinh đảm bảo chất lượng, với cương vị Chủ tịch Công đoàn, thầy còn tham mưu cho Chi bộ, Ban Giám hiệu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Theo đó, Công đoàn do thầy làm Chủ tịch đứng ra tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động bằng việc động viên cán bộ, giáo viên nhiệt tình công tác, say mê nghề nghiệp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở GD-ĐT tổ chức và tự trang bị thêm kiến thức thông qua kênh khai thác cập nhật trên mạng internet, tài liệu sách, báo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau... Cùng với đó, Công đoàn còn tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia lao động vệ sinh, trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp và môi trường sư phạm lành mạnh, bổ ích. Đặc biệt, đối với những vấn đề khó khăn của trường là vận động học sinh không bỏ học để duy trì sĩ số và thiết lập kỷ luật, kỷ cương trường lớp, xây dựng mối đoàn kết, tương thân, tương trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thầy Huỳnh luôn là người đi đầu. Đối với việc vận động học sinh không bỏ học, do đặc thù của vùng đồng bào DTTS, học sinh THCS, THPT đã có sức lao động, nên cha mẹ thường muốn con bỏ học để phụ giúp gia đình lên nương, lên rẫy và bản thân học sinh cũng muốn bỏ học để làm nghề rừng, hoặc làm thuê cho các DN kiếm tiền tiêu xài. Nắm bắt được điều đó, thầy Huỳnh cùng BGH động viên các giáo viên và trực tiếp kiên trì sáng sớm, khuya tối vận động, thuyết phục các em học sinh bỏ học quay trở lại trường lớp. Nhiều trường hợp, sau khi trở lại trường tiếp tục học tập, tốt nghiệp bậc phổ thông, nhiều học sinh thi đậu vào các trường chuyên nghiệp, mở ra một triển vọng cho tương lai cuộc đời. Nhờ vậy, trong những năm học vừa qua, dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chống bỏ học, nhưng Trường THCS và THPT Lộc Bắc vẫn duy trì sĩ số trên 90%. Đối với công tác thắt chặt kỷ cương, kỷ luật và xây dựng mối đoàn kết trong trường học, trước đây, khi còn là trường THCS do một bộ phận giáo viên có tâm lý buông thả phần vì buồn chán với môi trường công tác khó khăn, thiếu thốn, phần vì có suy nghĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chẳng ai quan tâm kiểm tra, nhắc nhở, nên tình trạng cắt xén giờ lên lớp, thậm chí bỏ giờ, bỏ lớp xảy ra khá phổ biến. Khi thành lập trường THCS-THPT, các giáo viên này vẫn duy trì nếp nghĩ, cách làm tuỳ tiện cũ. Bức xúc với tình trạng đó, trong các cuộc họp của trường, thầy Huỳnh phê phán gay gắt, mạnh mẽ; nhưng đổi lại, các giáo viên này quay lưng không hợp tác, ngược lại còn tìm cách phản công, chống phá. Biết phê bình thẳng thắn, gay gắt sẽ không mang lại kết quả, thầy Huỳnh thay đổi phương pháp bằng việc vừa gần gũi tâm sự, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, vừa phân tích về lòng tự hào, tự trọng của nhà giáo, vừa tham mưu BGH từng bước hoàn thiện nội quy, quy định của nhà trường, vừa làm tốt công tác vận động mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên chấp hành thực hiện. Dần dà, “mưa lâu, thấm dần”, các giáo viên này nghe ra và từng bước chấp hành tốt nội quy, quy định của nhà trường, tạo tiền đề cho việc xây dựng một nhà trường có kỷ cương, kỷ luật tốt. Nhờ vậy, mối đoàn kết, tương thân, tương ái cùng nhau vượt khó, vượt khổ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS và THPT Lộc Bắc ngày càng được phát triển, bền chặt hơn, đã góp phần quyết định vào sự thắng lợi qua từng năm học, khi tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt 100%.
Trong cái chung, có cái riêng, chính là sự trưởng thành về chuyên môn nghiệp vụ, về bản lĩnh, phẩm chất phấn đấu không ngừng của thầy giáo Trần Sĩ Huỳnh!
HOÀNG VƯƠNG MỸ