“Tự tin thay đổi cuộc đời”

11:12, 13/12/2012

Những gương điển hình vượt khó học tập không phụ thuộc vào việc học sinh, sinh viên ấy ở khu vực nông thôn hay thành thị, vùng sâu hút gió hay khu trung tâm sầm uất. Con đường các em đi chật vật hơn so với  bạn bè đồng trang lứa nhưng lại có nhiều dấu ấn bởi chính nghị lực của bản thân, bằng mọi nỗ lực lo toan của gia đình cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Những gương điển hình vượt khó học tập không phụ thuộc vào việc học sinh, sinh viên ấy ở khu vực nông thôn hay thành thị, vùng sâu hút gió hay khu trung tâm sầm uất. Con đường các em đi chật vật hơn so với  bạn bè đồng trang lứa nhưng lại có nhiều dấu ấn bởi chính nghị lực của bản thân, bằng mọi nỗ lực lo toan của gia đình cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Vốn tín dụng ưu đãi đã đến với nhiều học sinh sinh viên khó khăn
Vốn tín dụng ưu đãi đã đến với nhiều học sinh, sinh viên khó khăn


Trần Thị Thanh Tuyền sau khi tốt nghiệp loại khá Học viện Hành chính Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8/2012 đã trở lại quê nhà Đam Rông và may mắn được vào làm việc tại Văn phòng UBND huyện. Tuyền được sinh ra ở Bình Định trong gia đình có 3 anh em và cả gia đình chuyển vào vùng sâu Đam Rông từ năm 1998. Bố mẹ Tuyền là anh Trần Đình Lưu và chị Trần Thị Nở làm kinh tế từ cây cà phê và dâu tằm, rất chật vật để nuôi 3 con đang ở độ tuổi ăn học. Lúc ấy tại xã Phi Liêng, Đam Rông lại chưa có trường cấp 3, anh trai của Tuyền là Trần Minh ra thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà ở trọ đi học, gánh nặng nuôi con càng lớn đối với anh chị Lưu, Nở. Để rồi khi Trần Minh đậu năm thứ nhất ngành Xây dựng, Đại học Bách khoa TPHCM thì Thanh Tuyền đang học năm cuối phổ thông. Hai anh chị đã lo cho con bằng tất cả sức lực để sản xuất trên mảnh vườn, bằng cách xoay xở vay mượn bên ngoài khi con có nhu cầu về mua sắm tài liệu, phương tiện học tập. Thanh Tuyền tiếp tục đi học đại học tại TPHCM trong nỗi lo làm thế nào để đủ tiền trang trải cho cùng lúc 2 con đi học xa nhà? Gia sản trong nhà đều bán đi, bố mẹ em sẵn sàng làm thuê, làm mướn bất cứ việc lớn nhỏ nào để có thể bù đắp các chi phí. Cộng với nguồn vốn vay dành cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đam Rông, từ sự cố gắng của cả nhà, những năm tháng khó khăn và tưởng như rất dài ấy đã trôi qua, Trần Minh đã tốt nghiệp một trường đại học được xem là “trường đỉnh” thuộc khối kỹ thuật và công tác tại TPHCM, Thanh Tuyền cũng về lại huyện để công tác, chỉ còn cô em út đang học lớp 12, cận kề ngưỡng cửa chọn trường, chọn ngành. Khoản nợ trong thời gian đi học từ nguồn vốn chính sách đang được trả dần. Điều lớn nhất mà Minh, Tuyền và cả nhà có được có lẽ chính là tri thức, là khả năng băng qua khó khăn của những học sinh, sinh viên và gia đình tại một huyện còn nghèo về vật chất, cách trở trong đi lại.

Sống tại khu trung tâm ở thành phố Đà Lạt, gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (số 15D Nhà Chung, phường 3) là dân lao động làm “nghề kép” để nuôi sống gia đình. Chị làm hộp dâu và nghề phụ là đan len, chồng chị là anh Phan Tấn Phước mưu sinh cùng chiếc xe cũ để chạy xe thồ và làm cả thợ mộc. Nuôi 4 con ăn học ở thành phố với những nhu cầu dù có tiết giảm tối đa do hoàn cảnh của một gia đình nghèo thì những khoản ăn uống, học hành của các con cũng là nỗi lo canh cánh không ngơi nghỉ với vợ chồng anh. Khi con đầu là Phan Quốc Minh đậu Đại học Bách khoa TPHCM năm 2001, để có tiền cho con nộp học phí đầu năm, anh Phước đành bán chiếc xe máy là “cần câu cơm” với giá 4 triệu, trong đó 3 triệu cho con đóng tiền học, 1 triệu còn lại để dành mua xe mới theo cách thức trả góp hàng tháng thêm 500 ngàn đồng. Thiếu trước, hụt sau đắp đổi để nuôi con, anh chị tiếp tục nuôi thêm 3 người con khác là Phan Nguyễn Quang Vũ học Đại học Yersin năm 2007, Phan Vũ Minh Trường học Trung cấp Du lịch năm 2008, Phan Nguyễn Thiên Thanh học Đại học Y dược TPHCM năm 2011. Hơn chục năm ròng vật lộn với hành trình đến cổng trường trung cấp, đại học của các con, anh chị vẫn tự nhủ phải cố hết sức, có lúc đi vay lãi cao. Từ năm 2006, hộ gia đình anh chị giảm bớt gánh nặng khi tiếp cận được với vốn vay dành cho học sinh sinh viên khó khăn, tín chấp thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương. Gần 80 triệu đồng là khoản tiền quý giá từ nguồn vốn vay này để tiếp sức thêm nghị lực cho hai vợ chồng bền bỉ “chạy đường dài”. Đến nay, con trai cả Quốc Minh đã là kỹ sư, con trai Minh Trường làm lễ tân tại một khách sạn cao cấp ở Đà Lạt. Cả nhà cùng dồn sức cho Thiên Thanh thực hiện ước mơ mặc màu áo trắng của nghề y.

Trong rất nhiều gương điển hình mà Ngân hàng Chính sách xã hội Lâm Đồng vừa tổ chức tuyên dương về việc nhận vốn học sinh sinh viên hiệu quả, hai hộ gia đình này dù cách xa về địa lý nhưng đều “tự tin đến trường học chữ để thay đổi cuộc đời”, đó là điều mà chị Nguyễn Thị Thắm ao ước nhất, đã và đang được các con chị hoàn thành giấc mơ...

HẢI YẾN