Mê Linh, mảnh đất kinh tế mới của Lâm Hà nằm giáp ranh với Tà Nung của Đà Lạt hôm nay thật êm ấm. Và giữa miền đất mới ấy có những họ đạo rất bình yên. Sống giữa cộng đồng mà cư dân đến từ mọi miền đất nước, những con người ngoan đạo đã hết sức đùm bọc, đoàn kết, sống đúng tôn chỉ “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng một vùng quê yên bình và là tổ ấm thực sự cho cả cộng đồng.
Mê Linh, mảnh đất kinh tế mới của Lâm Hà nằm giáp ranh với Tà Nung của Đà Lạt hôm nay thật êm ấm. Và giữa miền đất mới ấy có những họ đạo rất bình yên. Sống giữa cộng đồng mà cư dân đến từ mọi miền đất nước, những con người ngoan đạo đã hết sức đùm bọc, đoàn kết, sống đúng tôn chỉ “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng một vùng quê yên bình và là tổ ấm thực sự cho cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Như đã bước sang tuổi 76 nhưng vẫn nhớ cái ngày khi ông theo lời kêu gọi của Nhà nước, đem theo gia đình rời quê hương Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ, nay thuộc Hà Nội) vào xây dựng vùng kinh tế mới. Ông và bà con là những giáo dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất Mê Linh lúc ấy còn rất hoang sơ, hầu như là rừng bao phủ. Không có nhà thờ, ông và bà con vẫn vững lòng tin, bắt tay vào cầu nguyện và đổ mồ hôi để biến vùng đồi núi hoang vu trở thành vùng cà phê trù phú. Hôm nay, xóm 2, thôn 3 xã Mê Linh ấm áp màu xanh của cà phê, đời sống của bà con tuy chưa giàu nhưng không còn nghèo, cơ sở vật chất khang trang, ổn định. Và nhất là, đời sống của bà con rất bình yên, nhóm gia đình Công giáo năm xưa đã trở thành họ đạo Mẹ Thiên Chúa thuộc Giáo xứ Nam Ban, đã có nhà tổ làm nơi sinh hoạt. Ông Như tâm sự, chính niềm tin nơi hồng ân đã giúp ông và bà con trụ vững qua vất vả để có một đời sống tốt đẹp như hôm nay.
Bên cạnh xóm 2 là hai buôn của bà con công giáo người dân tộc bản địa, buôn Thực Nghiệm của 100 hộ bà con K’Ho và buôn Chuối của bà con người Cil có 80 hộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con bị dồn dân lập ấp, phải ra sống ở khu vực Cần Reo, Đức Trọng. Năm 1987 và 1989, bà con được hỗ trợ của chính quyền đã trở về buôn cũ, tạo dựng cuộc sống như ngày hôm nay. Cây cà phê cũng vẫn là cây trồng chính, bên cạnh đó còn có cây lúa nước, cây dâu con tằm, đời sống cũng từng bước đi lên. Đời sống tinh thần của bà con hai buôn cũng rất đầm ấm, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi chung với toàn xã. Họ đạo hai buôn có chung một thánh quan thầy là Đức Mẹ Vô Nhiễm nên thân càng thêm thân, mỗi dịp lễ lạt, hội hè đều chung sức cùng tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng ban Bác ái xã hội của Giáo xứ Nam Ban cho hay, việc thiện nguyện được Ban làm rất tốt, nhất là tại hai buôn Thực Nghiệm và buôn Chuối. Chương trình “Chén cơm người nghèo” được tổ chức hàng tháng, hỗ trợ mỗi hộ khuyết tật, gia đình nghèo 10kg gạo, mỳ ăn liền và thường tổ chức các đoàn y bác sỹ từ thiện thăm, khám bệnh phát thuốc, tặng xe lăn, lắp chân tay giả... Ông cho biết: “Chúng tôi đã quyên góp được 30 suất quà cho các hộ nghèo, khuyết tật trong dịp lễ Noel 2012. Việc từ thiện chúng tôi làm đều khắp, không kể lương giáo, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ là chúng tôi hỗ trợ”.
Cùng chính quyền và toàn thể bà con, xóm đạo nơi đất Mê Linh đã phấn đấu vươn lên xây dựng một quê mới an bình. Ông Nguyễn Văn Chanh, Bí thư Đảng uỷ xã Mê Linh rất vui khi nhắc tới hoạt động tôn giáo tại địa phương. Ông cho biết, bà con xã Mê Linh dù Công giáo, Tin lành, Phật giáo hay đi lương đều rất đoàn kết, xác định được nhiệm vụ quan trọng nhất là cùng nhau vun đắp đời sống kinh tế, ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Bà con đã sống rất “tốt đời đẹp đạo”, không phân biệt lương giáo và đây là một trong những điểm mạnh để Mê Linh tiến lên xây dựng một nông thôn mới ngày càng tươi đẹp hơn.
DIỆP QUỲNH