Qua 3 năm triển khai chương trình, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, kết quả mang lại đã bước đầu tạo được nền tảng để tiếp tục triển khai chương trình này tại các khu vực rừng do BQL RPHĐN Đa Nhim trong những năm tiếp theo.
Cùng với cả tỉnh, bắt đầu từ năm 2009, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn (BQL RPHĐN) Đa Nhim thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Qua 3 năm triển khai chương trình, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, kết quả mang lại đã bước đầu tạo được nền tảng để tiếp tục triển khai chương trình này tại các khu vực rừng do BQL RPHĐN Đa Nhim trong những năm tiếp theo.
Nếu hạn chế đến mức thấp nhất nạn “ken” cây ở rừng đầu nguồn Đa Nhim thì việc thực hiện chương trình chi trả DVMTR ở đây đạt hiệu quả cao hơn |
Ông Trịnh Ngô Hùng, Trưởng BQL RPHĐN Đa Nhim, cho biết: Trong tổng số 44.900 ha rừng thuộc Ban, đến nay đã có 30.779 ha được giao theo chính sách chi trả DVMTR cho 1.013 hộ dân và 5 đơn vị tập thể. Rừng của BQL được giao này thuộc các lưu vực sông Đa Nhim 26.870 ha (891 hộ và 5 đơn vị), sông Đồng Nai 1.200 ha (46 hộ) và lưu vực sông Serépok 2.798 ha (76 hộ). Ông Hùng cho biết thêm: “Khi có kế hoạch được giao, đơn vị đã kịp thời và nghiêm túc triển khai đúng đối tượng, ưu tiên cho các hộ nghèo và thiếu đất sản xuất; đơn vị cũng tổ chức họp thôn và họp dân để xét duyệt đúng đối tượng theo quy định. Sau đó, đơn vị đã sắp xếp tổ, đội nhận khoán QLBVR phù hợp với đặc điểm từng khu vực; lựa chọn những người có uy tín, có ý thức và trách nhiệm cao để làm tổ trưởng; rà soát, sắp xếp lại các hộ nhận khoán một cách hợp lý; thống nhất thực hiện nội dung hợp đồng giao khoán, phương thức thanh toán tiền công, phương pháp tuần tra rừng với các hộ, các tổ nhận khoán; tiến hành bàn giao hiện trường cụ thể ngoài hiện trường tới từng tổ, từng hộ và đơn vị nhận khoán; lên lịch và đề ra kế hoạch kiểm tra hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng; đồng thời thực hiện phương pháp thay đổi tuần tra, kiểm tra… sao cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất”.
Hiệu quả dễ thấy nhất là số vụ vi phạm lâm luật trên diện tích rừng đã được giao theo chương trình DVMTR ở BQL RPHĐN Đa Nhim đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2009, số vụ vi phạm trên diện tích toàn Ban còn 211 vụ (giảm 69 vụ so với năm 2008); năm 2010: 123 vụ, năm 2011 là 86 vụ và năm 2012 vừa qua giảm xuống còn dưới 80 vụ. “Hầu hết các vụ vi phạm về phá rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái phép đều được cán bộ QLBVR cùng người dân nhận khoán phát hiện và ngăn chặn kịp thời!” - ông Trịnh Ngô Hùng khẳng định.
Về phía người dân, đó là ý thức của họ, những người nhận khoán rừng theo chương trình DVMTR đã có những chuyển biến khá tích cực. Hầu hết trong số họ đều nhận thức rằng khoản tiền mà mình nhận hằng năm (trung bình mỗi hộ được 12,5 triệu đồng, được chia thành nhiều đợt) không phải hoàn toàn do ngân sách nhà nước hỗ trợ như trước đây mà do các công ty cấp nước, công ty du lịch, các nhà máy điện… trực tiếp chi trả nên trách nhiệm của bà con càng được tăng cường. Về quyền lợi, với mức giao khoán từ 350.000 đồng - 400.000 đồng/ha/năm, nguồn thu nhập hằng năm của người dân cũng đã góp phần đáng kể vào công việc xoá đói giảm nghèo, phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ có người dân mà còn trực tiếp giúp cho chuyên môn và năng lực quản lý của cán bộ bảo vệ rừng được nâng lên thông qua các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền về công tác QLBVR.
Dĩ nhiên, kết quả của thực hiện chương trình chi trả DVMTR ở BQL RPHĐN Đa Nhim không chỉ hoàn toàn mang lại kết quả tốt đẹp mà vẫn còn đó những nhược điểm cần khắc phục. Ông Trịnh Ngô Hùng thẳng thắn thừa nhận: “Một số hộ nhận khoán vẫn còn đi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; một số hộ nhận rừng tại đơn vị này nhưng lại đi phá rừng tại đơn vị chủ rừng khác. Đặc biệt, công tác giải toả đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và trồng rừng ở đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; nhất là công tác bảo vệ rừng trồng trên diện tích đất rừng đã giải toả…”. Ông Nguyễn Thanh Đường, Trưởng trạm QLBV RPHĐN Đạ Sar (thuộc Ban), đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Bố là tổ phó tổ nhận khoán QLBVR của chương trình chi trả DVMTR nhưng con lại là người đi nhổ hơn 1ha rừng ở khu vực khác để trồng cà phê…
Tuy không hoàn hảo nhưng những kết quả đã đạt được trong thực hiện giao khoán theo chương trình chi trả DVMTR ở BQL RPHĐN Đa Nhim trong những năm gần đây thật đáng ghi nhận. Theo những cán bộ chuyên môn, để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trực tiếp tham gia chương trình chi trả DVMTR, cơ quan hữu trách cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến mọi người dân; nhất là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giũa các cơ quan chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã.
Thi Hoàng