Báo hoa mai cần được bảo vệ

03:01, 20/01/2013

Cuối tháng 12 năm 2012, một số người dân ở thôn 1, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cho biết, họ đã nhìn thấy 3 con thú lạ (1 nhỏ và 2 lớn), lông màu vàng, có những đốm nhỏ như hình hoa mai, vằn màu đen, đầu rất giống đầu của loài mèo. Hai con lớn có chiều cao khoảng 80 cm, còn con nhỏ có chiều cao chừng 30 cm.

Cuối tháng 12 năm 2012, một số người dân ở thôn 1, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cho biết, họ đã nhìn thấy 3 con thú lạ (1 nhỏ và 2 lớn), lông màu vàng, có những đốm nhỏ như hình hoa mai, vằn màu đen, đầu rất giống đầu của loài mèo. Hai con lớn có chiều cao khoảng 80 cm, còn con nhỏ có chiều cao chừng 30 cm.

Nhận được thông tin trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai tổ chức kiểm tra, xác minh hiện trường và làm việc với người dân tại khu vực xuất hiện loài thú lạ để kiểm định lại thông tin. Đến ngày 9/1/2013, sau khi khảo sát vết chân và đối chiếu với các tài liệu liên quan, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng kết luận: Thú lạ xuất hiện ở xã Đạ Oai là loài báo hoa mai, tên khoa học là Panthera Pards, thuộc họ mèo.  

Sự xuất hiện của loài báo hoa mai đã được dư luận quan tâm và nhiều người trong số đó tỏ ra lo ngại cho vấn đề an toàn của loài báo. Vì theo họ, “bẫy thợ săn đặt còn nhiều hơn cả thú rừng, thì làm sao loài báo này thoát được!”. Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Bởi trước đó, con tê giác Java một sừng cuối cùng của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã bị kẻ gian sát hại vào năm 2010. Và, mới đây, tháng 10 năm 2012, là con bò tót ở Vườn Quốc gia Cát Tiên lại bị 17 người ở thôn Phước Sơn, xã Phước Cát II chém chết và xẻ thịt mang bán công khai giữa chợ. Hiện nay, tình trạng mất rừng và vấn nạn săn bắt các loài động vật hoang dã luôn ở mức báo động, nên số lượng cá thể báo hoa mai còn lại rất thấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao, nếu không có biện pháp bảo vệ. Vậy, làm gì để bảo vệ loài báo này trước nguy cơ tuyệt chủng? Câu hỏi không chỉ được đặt ra đối với các nhà chức trách mà còn đặt ra cho toàn xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Lưu Dũng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, cho biết: “Sau khi nhận được nguồn tin từ thôn 1, xã Đạ Oai, chúng tôi lập tức đến kiểm tra và theo dõi liên tục trong vòng 1 tuần; thậm chí, còn làm chòi để trực. Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai cũng đã phối hợp với chính quyền xã Đạ Oai tổ chức tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về giá trị và phổ biến các biện pháp phòng vệ lỡ khi bị báo tấn công, như: Xua đuổi, đốt lửa hoặc gây tiếng động…; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắn trái phép”. Còn ông Đoàn Hồng Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Oai, chia sẻ: “Hiện, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi sự di chuyển của loài báo này; đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ngủ qua đêm trong rừng. Chúng tôi cũng thông báo rộng rãi đến người dân, đây là loài thú cực kỳ quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vì vậy, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm săn bắn dưới mọi hình thức. Nếu người nào vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật!”.

Tại thôn 1, nơi loài báo hoa mai xuất hiện, nhiều người dân cho hay: “Có lẽ bây giờ nó đã vào trong rừng sâu rồi. Chúng tôi không còn thấy nó xuất hiện nữa!”. Một số người dân thường xuyên đi rừng cũng bảo là không thấy. “Chúng tôi đã thông báo rộng rãi đến bà con, nhất là ở các vùng gần rừng, để có cách bảo vệ loài cũng như bảo đảm cả tính mạng cho người dân. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã” - ông Đoàn Hồng Thành nói thêm.

Bảo vệ động vật hoang dã đang cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trách nhiệm và nỗ lực lớn của các ngành chức năng. Sự an - nguy của loài báo hoa mai này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân; đồng thời, đặt trọng trách không nhỏ lên vai những nhà chức trách trong việc bảo tồn loài động vật đang nằm trong Sách đỏ này.

TRỊNH CHU