Cần hướng đi đúng cho việc dạy nghề ở nông thôn

03:01, 03/01/2013

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Song, ở một số huyện vẫn chưa thực sự có hướng đi đúng, dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu”.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Song, ở một số huyện vẫn chưa thực sự có hướng đi đúng, dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu”.

Đan mây tre ở Đạ Huoai  -  Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Đan mây tre ở Đạ Huoai - Ảnh: BÙI TRƯỞNG


Ông Tăng Xuân Sóng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đạ Huoai, cho biết: “Trong thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với trung tâm dạy nghề, chiêu sinh các lớp theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lâm Đồng năm 2010”. Nhưng trên thực tế, học viên đăng ký học rất ít. Các ngành, nghề phi nông nghiệp, như: sửa chữa ô tô, gia công cơ khí, hàn tiện, xây dựng, điện dân dụng… hầu như không có người theo học”. Cũng theo ông Sóng, sở dĩ các ngành nghề này không thu hút được học sinh, vì nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện rất ít. Hơn nữa, theo quy định để mở lớp đào tạo nghề cho lao động phải đạt từ 25 đến 35 học viên, nhưng thực tế số học viên đăng ký học mỗi lần lại không quá 10 người.

 Chính vì điều đó, sau khi kiểm tra thực tế việc đào tạo nghề trên địa bàn huyện, Sở Tài chính đã thu hồi số tiền 280 triệu đồng, kinh phí còn dư trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã cấp cho huyện. Hơn nữa, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ hỗ trợ các đối tượng là lao động nông thôn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc thu hút các học viên để mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp là rất khó. Trong khi đó, một số nghề cần thiết tại địa phương mà các học viên có nhu cầu lại không có trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như: kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su, nghề sinh vật cảnh…
 

Theo kế hoạch năm 2013, ngoài các lớp như đan mây tre, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, Trung tâm Dạy nghề huyện Đạ Huoai sẽ mở 2 lớp đào tạo nghề chăm sóc và mở miệng cao su. Riêng nghề sinh vật cảnh, Trung tâm và Phòng LĐTB và XH huyện đã gửi đơn xin mở lớp và đang chờ ý kiến của Sở LĐTB và XH tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trương Thoại Hào, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Đạ Huoai, cho biết: “Từ đầu năm 2008, Trung tâm đi vào hoạt động, tiến hành chiêu sinh để mở các lớp dạy nghề đúng như trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Tính đến nay, số lượng lớp được mở hàng năm chưa quá 20%. Mỗi năm, chỉ tiêu của Trung tâm mở 15 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, nhưng chỉ khai giảng được 2 đến 3 lớp. Riêng năm 2012, Trung tâm mở được 4 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; trong đó, sửa chữa máy nông nghiệp: 2 lớp, sửa chữa xe máy: 1 lớp và đan mây, tre: 1 lớp”. Cũng theo ông Hào, để mở được lớp học nghề cho lao động nông thôn, ngoài việc cần có học viên đăng ký học thì cần phải có giáo viên để dạy. Nhưng hiện tại, do số lượng giáo viên của Trung tâm quá “mỏng”, chỉ có 2 giáo viên dạy nghề (1 giáo viên dạy môn điện, 1 giáo viên dạy sửa chữa máy nông nghiệp); còn lại, phải thuê bên ngoài. Cũng chính vì thế, có những lúc học viên đăng ký học một nghề có số lượng lên tới 3 đến 4 lớp, nhưng chỉ mở được 1 lớp. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Từ khi Trung tâm Dạy nghề huyện Đạ Huoai đi vào hoạt động đến nay, chỉ có các xã Đạ Oai, Phước Lộc, Mađaguôi, Đạ P’Loa và thị trấn Mađaguôi có số lượng người đăng ký học nhiều nhất. Trong 5 năm, mỗi xã, thị trấn có tổng số người được đào tạo dao động từ 200 đến 215 người, bình quân 40 người/năm. Các xã còn lại chưa đạt 10 người/năm. Những con số trên, cho thấy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đạ Huoai đang rơi vào "ngõ cụt". Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp khả thi nào để chấm dứt tình trạng trì trệ trên.

Tình hình thực tế ở huyện Đạ Huoai, cho thấy Đề án đào tạo nghề của tỉnh áp dụng cho địa phương này thực sự không phù hợp và còn có những vấn đề cần được giải quyết. Việc bên "cung" không đáp ứng đúng nguyện vọng của bên "cầu" đã dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu” lao động ở một huyện nghèo. Để đáp ứng nhu cầu cho người lao động học nghề, thiết nghĩ cần đưa những ngành nghề cần thiết vào danh mục đào tạo nghề phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đây cũng chính là yêu cầu cấp thiết trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

KHÁNH PHÚC