Yêu bảng đen phấn trắng, yêu sự đói khát con chữ và yêu cả những lỗi lầm không đáng có ở lứa tuổi học sinh đã khiến cô giáo Phan Thị Giáy miệt mài suốt 23 năm “gieo chữ” tại vùng đất khó Cát Tiên...
Yêu bảng đen phấn trắng, yêu sự đói khát con chữ và yêu cả những lỗi lầm không đáng có ở lứa tuổi học sinh đã khiến cô giáo Phan Thị Giáy miệt mài suốt 23 năm “gieo chữ” tại vùng đất khó Cát Tiên. Công việc “trồng người” của cô có lúc thăng, lúc trầm, nhưng vượt lên tất cả là tình thương, trách nhiệm mà cô đã dành cho những học sinh thân yêu của mình. Cô hoàn toàn xứng đáng được trân trọng, quý nể của bạn bè, đồng nghiệp và của các thế hệ học sinh.
Cô giáo Phan Thị Giáy |
Sinh năm 1957 tại Cao Bằng, dân tộc Tày, tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (năm 1979), thế nhưng, cuộc đời của cô giáo Phan Thị Giáy lại gắn bó với trẻ thơ vùng khó Cát Tiên. Năm 1989, một sự tình cờ đã đưa cô đến với vùng đất Nam Tây Nguyên này. Từ đó, mọi vui buồn của cô đều gắn với Trường THCS Phước Cát I. Cô cho biết: “Ngày đó, Cát Tiên còn hoang vu lắm. Nắng thì bụi, mưa thì lầy. Đời sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục thấp!”. Thương lũ trẻ thiếu thốn đủ điều lại thêm “đói” cái chữ, cô đã tìm mọi cách để đổi mới phương pháp giảng dạy, kích thích sự hứng thú trong học tập của học sinh. Và, đã có không ít học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh lần lượt xuất hiện dưới sự dìu dắt của cô. Cô nói thêm: “Ngoài giờ lên lớp, tôi cũng làm vườn, làm ruộng như một nông dân. Nhà tôi có cả thảy 2,7 sào đất trồng lúa và 3 sào trồng điều”.
Rồi, cô Giáy kể về một kỷ niệm mà cho đến bây giờ cô vẫn còn nhớ. Đó là tại kỳ thi tốt nghiệp (niên khoá 1993 - 1994), tất cả học sinh các trường cấp 2 trên địa bàn huyện đều thi ở thị trấn Đồng Nai, theo đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Coi thi xong, cô đạp xe đạp về nhà (ở thôn Cát An II, xã Phước Cát I, huyện Cát Tiên) thì đã thấy một tốp học sinh ở nhà. “Cô ơi, tụi em thi xong rồi. Tụi em làm bài tốt lắm cô ạ!”. “Ừ! Các em cứ ở lại chơi, lát nữa cô nấu cơm rồi cùng ăn luôn thể!”. “Không! Tụi em đã mang sẵn bánh mỳ rồi!”. Thế rồi, tối hôm đó, cả lớp trải chiếu ngủ lại ở nhà cô. Đối với cô, kỷ niệm ấy quả là vô giá. Vì nó cho thấy được tình cảm gắn bó giữa thầy và trò. Dịp khác, cũng lứa học sinh đó lại đến nhà cô: “Nhà cô gặt lúa chưa ạ? Cô định gặt ngày nào để chúng em còn đến gặt giúp?”. Cô bảo, những em học sinh của niên khoá 1993 - 1994 làm giỏi lắm. Các em be bờ rất giỏi, lên luống rất vuông vức và xạc cỏ thì như những “lão nông tri điền”. Cô nói thêm, những học sinh này về sau đều thành đạt. Và, không ít trong số đó đã trở thành đồng nghiệp của cô tại Trường THCS Phước Cát I.
Sau 6 năm giảng dạy, năm 1995, cô Phan Thị Giáy được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Cát I và ở cương vị ấy cho đến lúc về hưu (tháng 7/2012). Ở cương vị Phó Hiệu trưởng, cô đã cùng với Ban giám hiệu nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Từ đó, Trường liên tục đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” cấp huyện; số lượng học sinh, giáo viên giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Để việc dạy và học đi vào nề nếp, cô đã cùng Ban giám hiệu sắp xếp thời khoá biểu, phân công giảng dạy hợp lý ở các khối, các bộ môn, các lớp…; đồng thời, chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Bên cạnh đó, cô cùng với giáo viên chủ nhiệm đến tận gia đình có con em học yếu kém để động viên các bậc cha mẹ quan tâm và dành nhiều thời gian cho các em học tập... Cô cũng luôn nhắc nhở các giáo viên phải luôn quan tâm đổi mới cách dạy và cần phải bám sát nhu cầu thực tế. Có như vậy, mới hình thành được ở các em tính chủ động hội nhập trong nhiều lĩnh vực mà cuộc sống đòi hỏi.
Trước câu hỏi “Vậy, trong suốt quá trình công tác, có kỷ niệm nào làm cô phiền lòng?”, cô chỉ cười: “Cái buồn dễ nguôi ngoai rồi phai mờ dần. Chỉ có niềm vui là ở lại mãi!”.
Giờ đây, cô giáo Phan Thị Giáy có thể mỉm cười mãn nguyện về chặng đường 23 năm gắn bó với trẻ em vùng khó Cát Tiên. Các thế hệ học sinh do cô đào tạo sẽ mãi biết ơn cô, một nhà giáo luôn yêu thương học sinh như chính con đẻ của mình.
TRỊNH CHU