Chia lửa cùng Hà Nội, Hải Phòng

04:01, 02/01/2013

Tôi là chiến sĩ Đại đội 39, Trung đoàn 234 pháo cao xạ, Sư đoàn 367 bảo vệ thủ đô Hà Nội những năm 1965-1966; rồi chiến đấu ở Tiểu đoàn 71, Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn 363 bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng những năm 1967-1968… Vì vậy, khi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam (1969) chúng tôi luôn nhớ về Hà Nội, Hải Phòng. Mỗi sự kiện xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng trong những năm kháng chiến ấy đều tác động sâu sắc đến tình cảm của anh em chúng tôi.

Tôi là chiến sĩ Đại đội 39, Trung đoàn 234 pháo cao xạ, Sư đoàn 367 bảo vệ thủ đô Hà Nội những năm 1965-1966; rồi chiến đấu ở Tiểu đoàn 71, Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn 363 bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng những năm 1967-1968… Vì vậy, khi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam (1969) chúng tôi luôn nhớ về Hà Nội, Hải Phòng. Mỗi sự kiện xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng trong những năm kháng chiến ấy đều tác động sâu sắc đến tình cảm của anh em chúng tôi.

Các chiến sĩ Trung đoàn 234, Sư đoàn PK 367 bảo vệ bầu trời Hà Nội năm 1966. Ảnh: Tư liệu
Các chiến sĩ Trung đoàn 234, Sư đoàn PK 367 bảo vệ bầu trời Hà Nội năm 1966.
Ảnh: Tư liệu


Cuối năm 1972, Tiểu đoàn 84 pháo cao xạ, Sư đoàn 968 (lúc đó tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn 84) chiến đấu giúp bạn Lào ở vùng cao nguyên Bô Lô Ven, tỉnh Sa Na Van (Lào) và ngã ba Đông Dương, bảo vệ phía Tây tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Những đêm cuối tháng 12 năm ấy, cả tiểu đoàn chúng tôi hầu như không ngủ khi nhận được điện báo (15W) của cấp trên “… Đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc nước ta… Lúc 19giờ 50 phút hôm nay 18/12/1972 máy bay B52 Mỹ đã ném bom rải thảm xuống Hà Nội, trái tim thiêng liêng của Tổ quốc…”.           
                
Tất cả chúng tôi, máu trong người như sôi lên - căm hờn và uất hận. Cũng đã dự kiến trước khả năng này nhưng không ai nghĩ đế quốc Mỹ lại mất hết tính người đến như vậy, dùng B52 ném bom rải thảm, huỷ diệt cả  bệnh viện, khu dân cư đông đúc ở giữa trung tâm Hà Nội… Tôi nghĩ ngay đến việc phát động toàn tiểu đoàn chiến đấu trả thù cho Hà Nội, Hải Phòng, cho đồng bào bị bom Mỹ giết hại, đồng thời tìm cách thu hút hoả lực B52 về phía mình để chia lửa với Hà Nội, Hải Phòng. Ban Chỉ huy tiểu đoàn lập tức họp bàn kế hoạch và điện báo xin Bộ Tư lệnh sư đoàn cho phép tiểu đoàn chúng tôi chủ động bộc lộ lực lượng, cơ động liên tục, thu hút máy bay địch góp một phần công sức, xương máu chia lửa với hậu phương lớn. Kế hoạch, phương án chiến đấu của chúng tôi được cấp trên phê duyệt và phổ biến đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn tiểu đoàn. Một số trận địa giả được xây dựng ngay trong đêm.

Sáng 19 tháng 12, đại đội 4 pháo cao xạ 37 ly thực hiện ý định nghi binh, cơ động giữa ban ngày trong lúc chiếc máy bay trinh sát OV10 của địch bay vè vè trên cao. Quả nhiên, chừng 40 phút sau, một tốp máy bay F4 “Con ma nhà trời” kéo đến quần lượn rồi đánh phá dữ dội các khu vực địch nghi là có trận địa pháo cao xạ của ta, nhưng bom địch toàn rơi vào các trận địa giả. Trận địa thật của ta vẫn án binh bất động. Khi máy bay cường kích của địch vừa rút khỏi, pháo 37 ly của ta lại nổ súng bắn vào chiếc OV10 đang rà lượn trinh sát kết quả trận ném bom. Tức điên người, giặc Mỹ lồng lộn điều 2 tốp máy bay F4 và A7 oanh tạc dữ dội trên diện rộng. Lần này các chiến sĩ ta quyết định nổ súng, nhưng chỉ bắn vào những chiếc máy bay bổ nhào đúng trận địa. Bị đánh vỗ mặt, các máy bay địch buộc phải né để tránh đạn, vì thế bom địch đều rơi chệch trận địa 100-200m. Rồi một chiếc F4 trúng đạn cao xạ bốc cháy, nó cố ngóc lên nhưng không được, đâm thẳng xuống khu rừng già bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn. Những chiếc còn lại hốt hoảng bay vút lên cao tháo chạy. Các trận địa báo cáo về quân ta vẫn an toàn tuyệt đối. Lúc này trời đã xế chiều. Không trung bỗng yên tĩnh lạ thường và cũng không thấy con đầm già OV10 lè nhè nhòm ngó. Kinh nghiệm trận mạc cho chúng tôi hay, không trung yên lặng lạ thường sẽ báo trước một trận oanh kích của B52. Chúng tôi lệnh cho các đơn vị rút về trận địa dự bị, bổ sung đủ cơ số đạn, củng cố lại lực lượng và chuẩn bị phòng tránh B52. Trời nhá nhem tối, từ đài quan sát báo về “Hướng Tây Nam một tốp 3 chiếc B52 đang bay về phía trận địa ta”. Thông báo vừa dứt chúng tôi đã nghe rõ tiếng ầm ì và tiếng rít như huýt gió (nghe được tiếng bom rơi, nghĩa là bom đã bay qua đầu mình rồi). Anh Đàm Ngọc Sinh, Tiểu đoàn trưởng nói tỉnh bơ: “Thế là Mỹ lại tốn mấy chục tấn bom đánh vào chỗ không người”. Bom nổ rung chuyển cả một vùng.

Ngày 20 tháng 12, chúng tôi không nổ súng. Giặc mỹ tưởng đã diệt được hoả lực phòng không của ta. Bất ngờ ngày 21, pháo cao xạ của ta lại gầm lên bắn cháy 1 máy bay A7.B52 lại đến oanh kích, lần này là 2 tốp 6 chiếc. Các trung đoàn bộ binh của sư đoàn chúng tôi cũng đồng loạt tiến công các căn cứ quân sự địch để phối hợp tác chiến với Hà Nội, Hải Phòng và trả thù cho hậu phương lớn thân yêu. Các đơn vị trong tiểu đoàn pháo cao xạ của tôi được lệnh đi cùng bộ binh tiến công căn cứ địch. Ngày 26 tháng 12 bắn rơi liên tiếp 2 máy bay T28 của địch. Máy bay địch vẫn oanh kích dữ dội, nhưng chẳng ngăn chặn được gì, bởi chúng tôi đã áp sát căn cứ địch…

Những ngày đó ở chiến trường, chúng tôi đã thức trắng đêm chia lửa cùng Hà Nội, Hải Phòng!

Đại tá Nguyễn Chí Long