Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

04:01, 10/01/2013

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt"; đồng thời xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với phát triển khoa học - công nghệ là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt"; đồng thời xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với phát triển khoa học - công nghệ là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020.
 

Liên hoan văn nghệ ngành giáo dục năm 2012. Ảnh: Thanh Toàn
Liên hoan văn nghệ ngành giáo dục năm 2012. Ảnh: Thanh Toàn

Đổi mới căn bản toàn diện và đồng bộ thực chất là tiến hành công cuộc cải cách giáo dục, là tiếp tục đổi mới triệt để từ tư duy, nhận thức đến hành động trong mọi hoạt động giáo dục mà trước hết về quản lý giáo dục (QLGD); trong đổi mới QLGD thì đổi mới quản lý nhà nước giữ một vị trí quan trọng có tính then chốt, là nền tảng có tính động lực để tạo cách nhìn mới, cách nghĩ mới, cách làm mới về giáo dục. Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó cần xuất phát từ việc nhận định thực trạng về GD&ĐT Việt Nam với những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Cần xác định rõ lý do cần thiết phải đổi mới GD&ĐT Việt Nam, nêu rõ quan điểm, nguyên tắc, biện pháp và quy trình cụ thể để đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; xác lập triết lý giáo dục với tư cách là nền tảng tư tưởng chỉ đạo, tầm nhìn và sứ mạng để định hướng đúng mục tiêu quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; trong đó cần đề cập tới mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục nghề nghiệp và đại học.

Thực tiễn phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay có ba mâu thuẫn đang tồn tại cần giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nhanh quy mô và gấp rút nâng cao chất lượng của giáo dục với khả năng đáp ứng hạn chế của nền kinh tế và năng lực còn yếu của hệ thống giáo dục. Hai là, mâu thuẫn giữa khối lượng thông tin, tri thức tăng nhanh trong khi thời gian dành cho giáo dục có hạn đang ngày càng trở nên gay cấn. Điều này đặt ra cho giáo dục bài toán về đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Ba là, mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới giáo dục đang ngày càng gay gắt với yêu cầu giữ sự ổn định tương đối cho hệ thống.

Quan điểm chỉ đạo phát triển GD&ĐT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH

Mục tiêu tổng quát: Mục tiêu tổng quát của sự nghiệp GD&ĐT là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục XHCN mang tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Thực hiện giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành. Thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, HĐH, XHH, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Quan điểm chỉ đạo phát triển GD&ĐT:

Một là, nắm vững nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của GD&ĐT là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có thể lực, trí lực và tình cảm lành mạnh, có kỹ năng lao động giỏi, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Hai là, giữ vững mục tiêu XHCN của sự nghiệp GD&ĐT về nội dung, phương pháp và chính sách giáo dục;

Ba là, thực sự coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc GD-ĐT cùng với KH-CN là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo dục, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương, chính sách cán bộ. Có các giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục;

Bốn là, GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các gia đình và cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Khuyến khích phong trào toàn dân học tập và toàn dân chăm lo phát triển giáo dục;

Năm là, phát triển GD-ĐT gắn liền với nhu cầu phát triển KT-XH gắn với những tiến bộ khoa học công nghệ và củng cố quốc phòng, an ninh. Coi trọng ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Thực hiện giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội;

Sáu là, thực hiện công bằng xã hội trong GD&ĐT. Tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học. Người nghèo được Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để có điều kiện học tập. Khuyến khích những người học giỏi để phát triển tài năng. Giữ vai trò nòng cốt của các trường công lập đi đôi với đa dạng hoá các loại hình GD-ĐT, trên cơ sở Nhà nước thống nhất QLGD, từ nội dung chương trình, quy chế học, thi cử, bằng cấp, tiêu chuẩn giáo viên. Phát triển các trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Mở rộng các hình thức đào tạo không tập trung, đào tạo từ xa, từng bước hiện đại hoá hình thức và phương pháp dạy học.

NGUYỄN XUÂN NGỌC (Giám đốc Sở GD-ĐT)