Giữa biển cả mênh mông, các y, bác sỹ vẫn ngày đêm kiên quyết bám đảo để bảo vệ sức khoẻ cho chiến sỹ và ngư dân. Có những lúc, ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, họ phải đưa ra quyết định sinh tử để giành lại sự sống cho người bệnh.
Giữa biển cả mênh mông, các y, bác sỹ vẫn ngày đêm kiên quyết bám đảo để bảo vệ sức khoẻ cho chiến sỹ và ngư dân. Có những lúc, ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, họ phải đưa ra quyết định sinh tử để giành lại sự sống cho người bệnh.
Bác sỹ Thái Đàm Lương siêu âm cho một chiến sỹ trên tàu quân y HQ 561 |
Vượt sóng cứu người
Biển động dữ dội, phải mất hơn nửa ngày, kíp quân y trên đảo Núi Le B mới chuyển được chiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng (21 tuổi) bị viêm ruột thừa cấp sang đảo Phan Vinh để mổ cấp cứu. Đối với trung tá Đậu Văn Tình, y sỹ đảo Núi Le B, đây là ca cấp cứu rất đáng nhớ trong suốt những năm anh làm quân y trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Anh kể lại: “Chiều 10/9/2012, Hoàng bị đau bụng dữ dội. Sau khi chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp, tôi đã báo cáo với chỉ huy đảo để liên lạc cấp trên và nhờ tàu công tác gần đó đưa xuồng vào chở bệnh nhân sang đảo Phan Vinh. Bữa đó, biển động lắm, xuồng phải rất khó khăn mới vào được đảo. Phải đến 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới đưa Hoàng lên được xuồng và đến gần 12 giờ trưa, xuồng mới tới đảo Phan Vinh. Do đã được thông báo trước nên ngay lập tức, kíp quân y trên đảo Phan Vinh đã mổ cấp cứu cho Hoàng. Ca mổ thành công và Hoàng đã trở về đảo Núi Le B tiếp tục công tác sau 9 ngày nằm viện”. Hoàng chia sẻ: “Trong suốt quá trình vận chuyển, em rất lo sợ vì thấy sóng to gió lớn quá. Khi đến được đảo thì em an tâm hơn vì biết trên đảo có bác sỹ với đầy đủ trang thiết bị và đã từng mổ thành công cho nhiều ca viêm ruột thừa. Sau khi mổ xong và trở về đảo, em mới gọi điện thoại thông báo cho gia đình biết. Trước đó, em không dám báo vì sợ gia đình lo lắng”.
Bản thân y sỹ Đậu Văn Tình (48 tuổi) đã có hơn 20 năm làm quân y tại nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa như Thuyền Chài, An Bang, Đá Tây, Tốc Tan, Núi Le. Đây là những đảo chìm nên điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất cho y tế cũng còn hạn chế. Anh nhớ lại: “Ngày đầu mới ra làm nhiệm vụ ở đảo, có nhiều ca viêm ruột thừa phải mổ dưới tầng hầm trong điều kiện thiếu điện. Khi đó, kíp mổ thường liên lạc với các bác sỹ trong bờ qua điện thoại để hội chẩn và xin ý kiến. Cũng có nhiều ngư dân khi đánh bắt hải sản trên biển cũng đã gặp tai nạn thương tích. Đó là những ca bị ngạt do lặn quá sâu, hoặc bị dập tạng, vết thương rộng ổ bụng… Những trường hợp đó, chúng tôi chỉ có thể xử lý chống sốc và chuyển gấp bệnh nhân vào bờ. Chúng tôi sơ cứu và chữa trị thành công cũng nhiều nhưng vẫn còn một số trường hợp đáng tiếc, nằm ngoài khả năng của chúng tôi”. Với y sỹ Tình, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn thì vấn đề quan trọng nhất là phải chẩn đoán đúng bệnh để đưa ra hướng điều trị đúng cách. Nếu chẩn đoán không chính xác và chậm trễ trong việc chuyển bệnh nhân tới đảo có điều kiện tốt hơn thì có thể đe doạ đến tính mạng của người bệnh.
Tấm lòng quân y
Phan Vinh là đảo nằm ở tuyến giữa trên quần đảo Trường Sa. Các đảo lân cận như Phan Vinh B, Núi Le A, Núi Le B, Tốc Tan A, Tốc Tan B và Tốc Tan C khi có bệnh nặng đều phải chuyển về đây cấp cứu và điều trị. Từ tháng 5/2012 đến nay, đảo Phan Vinh đã khám, cấp cứu và điều trị cho 300 ca bệnh là chiến sỹ và ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng, trong đó có 3 ca mổ ruột thừa. Đại uý Đặng Hồng Nam, bác sỹ đảo Phan Vinh, chia sẻ: “Khi nghe tin báo có ca bệnh chuyển về là anh em đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Nhiều khi sóng to gió lớn quá nên việc chuyển bệnh nhân bị chậm trễ, anh em rất sốt ruột và lo lắng. Người khoẻ đi tàu đã mệt, người bệnh đi tàu còn vất vả và nguy hiểm hơn nhiều. Ở đất liền, một kíp mổ có từ 2 – 3 bác sỹ, còn ở đây chỉ có một nên mình phải quyết định mọi thứ. Chính vì vậy, bác sỹ phải thăm khám rất kỹ và dựa vào kinh nghiệm bản thân để đưa ra phương án cuối cùng. Bệnh nhân trên đảo không có thân nhân như ở đất liền nên bác sỹ cũng là thân nhân để kịp thời chia sẻ, động viên, thăm hỏi, tạo tâm lý an tâm giúp người bệnh mau chóng khỏi bệnh”.
Từ năm 2000, trung uý Thái Đàm Lương đã đảm nhận chức trách là bác sỹ công tác trên quần đảo Trường Sa. Hiện, anh đang là bác sỹ hồi sức cấp cứu trên tàu quân y HQ 561 mới được đưa vào hoạt động trên quần đảo Trường Sa. Anh cho biết: “Trên các đảo nổi hiện đều có bệnh xá và các bệnh xá này đều nhận được sự “đỡ đầu” và hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện Trung ương. Chính sự hỗ trợ này mà các đảo đã kịp thời cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm”. Với trung uý Thái Đàm Lương, ca cấp cứu trên đảo khiến anh nhớ nhất là vào năm 2003 ở đảo Thuyền Chài C: 13 ngư dân của tỉnh Bình Thuận đã bị ngộ độc khi ăn lòng con vít lửa, trong đó có một trường hợp bị ngộ độc rất nặng và tiêu chảy cũng rất nặng. Buổi sáng hôm đó, bộ đội trên đảo nhìn qua ống nhòm thấy có thuyền cắm cờ đỏ tiến vào đảo. Đảo trưởng đã chỉ đạo ngay cho quân y chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu ngay tại phòng tiếp dân. Do bị ngộ độc trong hơn một ngày đêm nên bệnh nhân lên đảo trong tình trạng nguy cấp: mất nước, huyết áp không đo được và mạch không bắt được. Bằng mọi khả năng có được, anh phải rất chật vật mới lấy được ven để truyền nước và cấp cứu thành công cho bệnh nhân sau 24 giờ. Sau này, những người trên tàu có lần đã ghé lại đảo để cảm ơn. Anh Lương tâm sự: “Đó thật sự là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm bác sỹ của mình, được đem kiến thức mình đã học để cứu người. Trên biển, điều kiện hết sức khắc nghiệt, đòi hỏi người bác sỹ càng phải tận tâm và dành nhiều tình cảm hơn nữa cho người bệnh”. Cùng là ngành y, nhưng ngày nay, môi trường xã hội đã khiến một bộ phận thầy thuốc bị biến chất. Nhưng riêng với những quân y trên đảo, họ chỉ biết làm việc bằng tấm lòng, bằng đạo đức của người thầy thuốc, như những “từ mẫu” đích thực.
HỮU SANG - VĂN BÁU