Được đi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, nghe các chị em cộng tác viên tuyên truyền tại cuộc họp về công tác dân số KHHGĐ, thêm vào đó nhiều đêm các chị lại lặn lội đến tận gia đình để tuyên truyền vận động, đã bàn bạc và được sự đồng ý của chồng, năm 2005 chị đã tự nguyện đi triệt sản để xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”...
Cùng với các chị cộng tác viên dân số KHHGD của thị trấn Đran (huyện Đơn Dương), chúng tôi đến gia đình anh Phô Lắc Thăng Long và chị Rô Mi Ca người dân tộc K’Ho ở cuối thôn Ha Ma Sing, vào một ngày cuối năm. Căn nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa, trong phòng khách của gia đình anh chị, mọi vật dụng đều được bài trí một cách sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Chị Rô Mi Ca tâm sự: “Sau khi anh chị đã có 2 người con, một cháu trai, một cháu gái, lúc bấy giờ gia đình vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Được đi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, nghe các chị em cộng tác viên tuyên truyền tại cuộc họp về công tác dân số KHHGĐ, thêm vào đó nhiều đêm các chị lại lặn lội đến tận gia đình để tuyên truyền vận động, đã bàn bạc và được sự đồng ý của chồng, năm 2005 chị đã tự nguyện đi triệt sản để xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”. Nhờ áp dụng biện pháp, do vậy, gia đình đã có điều kiện nuôi dạy con ăn học đàng hoàng, đến nay 2 cháu đã học lên lớp 7, đều là học sinh tiên tiến.
Gia đình anh Phô Lắc Thăng Long và chị Rô Mi Ca có 4 sào cà phê moka và 2 sào hồng, bình quân mỗi năm anh chị thu nhập từ vườn cây ăn trái không dưới 120 triệu đồng, riêng năm 2012, nhờ cà phê có giá, vì vậy anh chị đã thu nhập từ cà phê và hồng được 150 triệu đồng. Sau khi đã tích luỹ được ít vốn, cuối năm 2011, anh chị Rô Mi Ca đã xây dựng lại nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Đến thôn Ha Ma Sing thị trấn Đran khi nói đến gia đình chị Rô Mi Ca thì bà con ai cũng trầm trồ khen ngợi, gia đình chị Rô Mi Ca là gia đình văn hoá tiêu biểu. Xây dựng mô hình gia đình ít con ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là một trong những phong trào mà cả xã hội đã và đang tập trung thực hiện nhằm góp phần đưa tỷ lệ tăng dân số ngày càng giảm xuống. Việc vận động phụ nữ người dân tộc thiểu số đi triệt sản là một việc làm không đơn giản, bởi lẽ đến nay đồng bào vẫn còn mang nặng tư tưởng trời sinh voi sinh cỏ. Tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 thậm chí thứ 5 trong vùng DTTS vẫn còn cao. Với tinh thần trách nhiệm của một cộng tác viên dân số nhằm phấn đấu từng bước đưa tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 ngày càng giảm xuống thấp nhất, trong nhiều năm qua chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp ở thôn Ha Ma Sing thị trấn Đran đã không quản ngại khó khăn, đi đến từng nhà để tuyên truyền vận động đồng bào sinh ít con để xây dựng cuộc sống ấm no.
Ngọc Thanh