Báo Lâm Đồng điện tử (baolamdong.vn) ngày 8/2/2012 đăng bài: “Đoàn Đình Duyệt - Người Việt Nam đầu tiên viết về Đà Lạt”, đó là Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công kiêm Binh Bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện (1862 - 1928) dưới triều vua Khải Định (1918 - 1925)...
LTS: Báo Lâm Đồng điện tử (baolamdong.vn) ngày 8/2/2012 đăng bài: “Đoàn Đình Duyệt - Người Việt Nam đầu tiên viết về Đà Lạt”, đó là Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công kiêm Binh Bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện (1862 - 1928) dưới triều vua Khải Định (1918 - 1925). Gần một thế kỷ đã trôi qua, đúng như đánh giá bước đầu của ông, Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố ngàn hoa, mộng mơ xinh đẹp; một trung tâm nghỉ dưỡng bậc nhất của cả nước và thế giới. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” do Thượng thư Đoàn Đình Duyệt biên soạn sau chuyến công du lên Lâm Viên (Lâm Đồng ngày nay) từ ngày 10 đến ngày 26/7 năm Đinh Tỵ 1917 là một tư liệu quý. Chuyến công cán này của ông nhằm khảo sát nghiên cứu vị trí xây dựng hành cung cho triều Nguyễn được đăng trên Nam Phong Tạp chí bằng chữ Hán – Nôm trong các số 9, 10 ra tháng 3 và 4 năm 1918. Nhân dịp đầu xuân mới 2013 chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu để bạn đọc hiểu thêm về một vị quan Thượng thư.
Lãnh đạo địa phương cùng các cháu, chắt, chút Thượng thư Đoàn Đình Duyệt tới dự Lễ khánh thành tôn tạo lăng mộ ngày 6/1/2013. Ảnh: Văn Hiển |
Nhọc nhằn tuổi thơ và nỗi oan khiên…
Thượng thư Đoàn Đình Duyệt xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Cha mất sớm, phải ở với bác họ, cậu bé Duyệt thông minh, lam làm, thường phải chăn trâu, cắt cỏ, đánh dậm, mò cua, bắt ốc, đội nắng, mưa trên các cánh đồng quê hương của mình. Một lần do ham việc, lỡ để trâu ăn lúa của người hàng xóm, bé Duyệt bị ông bác đánh đòn rất đau. Không ngờ, sau trận đòn “thập tử nhất sinh” ấy, cuộc đời của cậu bé mồ côi nghèo khó đã bước sang trang mới. Đoàn Đình Duyệt quyết bỏ nhà ra đi. Theo lời của các vị cao niên trong làng, khi đó cậu đã có lời nhắn gửi lại với họ hàng rằng: “Chỉ đến khi nào thành đạt mới trở về…”. Cậu vào bến Trại, xuống với các thuyền buôn đi xuôi về phương Nam. Vốn khôi ngô tuấn tú, lại lanh lợi và chăm chỉ, trong những tháng ngày lang thang, vô gia cư, cậu bé Đoàn Đình Duyệt gặp được ân nhân của mình là người tốt đón về nuôi và cho ăn học tử tế để sau này lớn lên trở thành vị tướng dưới thời nhà Nguyễn. Tướng quân Đoàn Đình Duyệt có một thời gian được bổ nhiệm làm Tổng đốc một tỉnh lớn ở miền Trung nhưng do bản tính thẳng thắn, cương trực nên ông bị hiểu lầm, rồi dáng chức…
Được Quan Lớn Đền Tranh báo mộng…
Theo Wikipedia, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh gọi nôm là Ông Lớn Tuần Tranh là vị tôn thứ 5 trong ngũ vị tôn quan trong Đạo Mẫu, Tam phủ, Tứ phủ, sau hàng Tam vị Thánh mẫu. Vai trò Quan Đệ ngũ Tuần Tranh là thanh tra, giám sát nhân gian.
Trở lại quê hương với bao nỗi day dứt trong lòng, Đoàn Đình Duyệt sống gần với những người dân làm nghề chài lưới trên sông Luộc, họ thường ghé bến sông Tranh trú ngụ. Bên bến sông Tranh từ xa xưa đã có Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh được lưu truyền trong dân gian tín ngưỡng “là thiêng lắm, linh ứng lắm…”. Đền thuộc xã Tranh Xuyên, tổng Bát Đế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và thời Nguyễn, nay là thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi chính quán quê nhà của Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, nơi ông trấn giữ duyên hải sông Tranh, cũng là nơi ông hiển tích. Hàng năm khách thập phương xa gần về Đền Tranh dâng lễ cầu xin, chủ yếu là cầu được giả oan, làm ăn phát đạt, giàu sang và thăng chức, thêm quyền. Quan Tuần Tranh được thờ ở rất nhiều nơi, trong tất cả các đền, phủ, đền mẫu - Tam Tứ phủ nhưng đền chính là đền Tranh ở Ninh Giang và ngôi đền bên sông Kỳ Cùng thuộc tỉnh Lạng Sơn (cầu Kỳ Lừa là nơi ông bị lưu đầy). Trong một đêm nằm mơ Đoàn Đình Duyệt được Quan Lớn Đền Tranh báo mộng với lời chỉ bảo rằng: “Con phải vào triều tâu với nhà vua để được bày tỏ hết nỗi oan khiên của mình…”. Nghe lời Quan Lớn, trước khi vào Kinh thành Huế, Đoàn Đình Duyệt đến làm lễ tạ tại Đền Tranh và cầu nguyện cho mình được giải oan.
Nỗi oan được giải
… Nhà vua hiểu ra nỗi oan khiên của bề tôi, Đoàn Đình Duyệt được giải oan và Vua tấn phong cho ông các chức vụ: Nam tước Đại thần, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, kiêm Binh Bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện. Trên cương vị đó, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt có nhiều công lao đóng góp với đất nước, quê hương trong đó có việc tôn tạo, mở rộng Đền Tranh, Chùa Trông (Ninh Giang, Hải Dương), các di tích này sau bị giặc Pháp tàn phá… và xây dựng nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi khác trong cả nước. Năm 1918, vào ngày 29/3 Vua Khải Định xuống Chiếu nói về cuộc Ngự giá (đi thăm) một số tỉnh miền Bắc và chỉ định một phái đoàn gồm các quan chức triều đình; Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh là một trong hai quan Thượng thư cùng Viện trưởng Viện Cơ mật kiêm Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân tháp tùng nhà vua. 12 giờ 30 phút ngày 19/4/1918, một chuyến xe lửa đặc biệt khởi hành từ ga Huế, đưa nhà vua và phái đoàn ra Bắc. Trong chuyến đi này, Vua Khải Định có thăm tỉnh Hải Dương.
Cuối đời, rời chốn quan trường, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt về sống gần gũi với những người dân lao động nghèo trong những năm tháng còn lại và mất ngày 21 tháng Chạp Âm lịch năm 1928 tại thị trấn Ninh Giang ngày nay. Năm 1930 hài cốt của ông được đưa về an táng tại Đồng Tháp, thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương quê nhà. Cuối năm 2012 vừa qua, nhân kỷ niệm 150 năm, năm sinh của Ngài Thượng thư, được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ tạo điều kiện, cháu chắt của cụ đã hoàn thành tôn tạo giai đoạn một lăng mộ để ghi nhớ công đức và tỏ lòng biết ơn tới bậc tiền nhân trước khi đón xuân mới Quý Tỵ trong niềm vui hân hoan, tự hào của mọi người trên quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp.
SĨ ĐOÀN