Ở thành phố du lịch Đà Lạt yên bình và sâu lắng ấy, có một ông già người Hà Lan thường ngồi trên chiếc xe máy hạng thường rong ruổi. Nhưng người đàn ông này không đến những thắng cảnh thơ mộng mà lui tới như người nhà với trẻ em có cảnh đời bất hạnh...
Ở thành phố du lịch Đà Lạt yên bình và sâu lắng ấy, có một ông già người Hà Lan thường ngồi trên chiếc xe máy hạng thường rong ruổi. Nhưng người đàn ông này không đến những thắng cảnh thơ mộng mà lui tới như người nhà với trẻ em có cảnh đời bất hạnh. Gặp ông đẩy chiếc xe máy xẹp bánh, tôi dẫn đến nơi vá xe và trả tiền công dùm ông, ông cảm ơn nhiệt tình rồi tiếp tục dong xe vào Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan…
Ông Theo trao máy khuyếch đại và trợ thính cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng |
Ông là Theo Beerens, năm nay đã 71 tuổi. Vốn là kỹ sư ngành điện nghỉ hưu, rồi cơ duyên ân ngãi với một người phụ nữ Đà Lạt, chị Phan Thị Trang. Quãng thời gian sống trên đất Lâm Đồng gần 11 năm, Đà Lạt trở thành quê hương thân thương thứ hai của Theo. Không chỉ là nghĩa vợ chồng, ông bước vào con đường làm việc từ thiện. Theo tâm sự: “Khi được sống trên đất nước Việt Nam, tôi thấy ở đây rất coi trọng công tác xã hội từ thiện, vì vậy, tôi đã nghỉ hưu, có thời gian và điều kiện nên tôi tự nguyện làm công tác này. Đặc biệt, khi tôi gặp được cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy, dạy tiếng Anh ở Trường THCS Quang Trung, Đà Lạt, những việc làm của cô ấy trong Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo-Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã thực sự cuốn hút tôi. Vy Vy tuy nhỏ tuổi mà là người lớn, cô ấy không vụ lợi; ngược lại cô ấy còn rất tâm huyết với việc làm tốt”.
Qua cầu nối của Hội và cô giáo Vy Vy, càng ngày Theo càng đến được với nhiều mảnh đời bất hạnh trên đất Lâm Đồng. Chặng đường Việt Nam-Hà Lan ngày càng năng đi lại. Từ số tiền của cá nhân ông tích cóp trong thời gian khi còn làm việc chăm chỉ và kêu gọi con cái, bạn bè ở Hà Lan, những món quà được Theo trao tận tay các học sinh. Đó là những chiếc máy trợ thính, máy khuyếch đại âm thanh, máy đan len, áo quần, thiết bị kỹ thuật dạy và học… Càng trân quý khi Theo chẳng nề hà xắn tay kéo điện, lắp ráp, sửa chữa điện giúp cho những nơi ông đến. Ngoài một số trường học như THCS Quang Trung Đà Lạt, Tiểu học Phan Như Thạch, nơi Theo còn thường lui tới là Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, Trại trẻ mồ côi Nguyên Không ở Đức Trọng hay chùa Giác Nguyên ở Đơn Dương… Chỉ trong khoảng 3 năm, từ năm 2010 đến nay, tổng trị giá quy ra từ những hiện vật mà Theo trao tặng giúp đỡ cho học sinh và các nhà trường lên tới khoảng 1,2 tỷ đồng. Theo nói: “Công việc từ thiện không của riêng ai, tôi chỉ mong có được thật nhiều điều kiện về vật chất và sức khỏe là tham gia cùng với người Việt Nam. Quá trình làm thiện nguyện, có rất nhiều ấn tượng mà tôi không thể diễn đạt được thành lời. Nhưng tôi rất cảm thông với những người nghèo, những hoàn cảnh thiệt thòi. Vì vậy, tôi rất muốn được giúp đỡ nhiều cho họ để họ hòa nhập được với cộng đồng. Tôi tiếp tục kêu gọi những người bạn tôi ở Hà Lan cùng tham gia việc làm này ở Việt Nam”. Bây giờ, ông Theo trở thành tình nguyện viên của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi của tỉnh Lâm Đồng.
Không giấu khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười hồn hậu, Theo nói: “Tham gia làm từ thiện mà giờ tôi đã trẻ lại 20 tuổi đấy. Tôi cảm thấy rất vui và đánh giá rất cao chính sách của nhà nước Việt Nam trong công tác chăm sóc người nghèo. Một nước có nhiều chính sách và tính cộng đồng cao về chăm lo những người nghèo như vậy là giúp đỡ họ được nhiều để xóa mặc cảm. Tôi được tiếp xúc nhiều hoàn cảnh bất hạnh, thiệt thòi và nhận thấy họ rất thân thiện; họ luôn biết ơn nên họ rất cần được giúp đỡ nhiều”.
Hiệu trưởng Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan - Nguyễn Hữu Hoa và Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng - Nguyễn Thị Nhàn đều chung nhận xét về ông Theo: Đó là một con người tuy lớn tuổi nhưng rất tâm huyết với công tác nhân đạo ở Việt Nam. Đặc biệt, ông nhiệt tình rất yêu quý những học sinh khuyết tật ở tỉnh Lâm Đồng. Mấy dịp chứng kiến Theo Beerens đến với các học sinh, tôi cảm nhận được một giá trị nhân văn: có một trái tim của “ông già” Hà Lan đang hòa nhịp đập nhân ái cùng với những trái tim non trẻ Việt Nam.
TĨNH XUYÊN