Hy vọng sẽ đem lại nguồn sáng mới cho người dân

03:01, 20/01/2013

Theo số liệu điều tra, tỉ lệ mù ở người từ 50 tuổi trở lên trong toàn quốc là 3,1%, trong đó mù do đục thuỷ tinh thể chiếm 55%. Con số này ở Lâm Đồng qua điều tra năm 2010 tỉ lệ mù ở người từ 50 tuổi trở lên: 5,83%, mù do đục thuỷ tinh thể chiếm 71,4%. Tỉ lệ mù mới do đục thuỷ tinh thể hàng năm chiếm 0,1% dân số.

Theo số liệu điều tra, tỉ lệ mù ở người từ 50 tuổi trở lên trong toàn quốc là 3,1%, trong đó mù do đục thuỷ tinh thể chiếm 55%. Con số này ở Lâm Đồng qua điều tra năm 2010 tỉ lệ mù ở người từ 50 tuổi trở lên: 5,83%, mù do đục thuỷ tinh thể chiếm 71,4%. Tỉ lệ mù mới do đục thuỷ tinh thể hàng năm chiếm 0,1% dân số.

Khi BS Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam - SCB5 tại Lâm Đồng” nói về tình hình mù loà tại địa phương đã khiến nhiều người quan tâm không khỏi giật mình.

Dự án phát triển chăm sóc mắt toàn diện hy vọng sẽ đem lại nguồn sáng mới cho người dân Lâm Đồng. Tổng kinh phí dự án chăm sóc mắt toàn diện gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tài trợ của tổ chức FHF (Fred Hollows Foundation) của Úc hơn 4,9 tỷ đồng và vốn đối ứng của địa phương 504 triệu đồng. Ông Nguyễn Khánh Bình - Giám đốc Chương trình FHF tại Việt Nam cho biết: Lâm Đồng là tỉnh thứ 6 trong cả nước được FHF tài trợ triển khai dự án, trước đó là Vĩnh Long, Đắc Lắc, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị. Tổ chức FHF do giáo sư Fred Hollows sáng lập quỹ mang tên ông đã có 20 năm hoạt động tại Việt Nam đóng góp lớn trong chương trình phòng chống mù loà cho người Việt Nam. Dự án ở Lâm Đồng sẽ nâng cao khả năng tiếp cận của đối tượng người mù nghèo, người không có bảo hiểm, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương được hỗ trợ mổ mắt.

Hằng năm, Lâm Đồng có nhiều đợt phẫu thuật mắt từ thiện nhưng vẫn chưa đạt chỉ số CSR - số ca mổ đục thuỷ tinh thể/1 triệu dân. Cụ thể: năm 2009 có 258 ca mổ đục thuỷ tinh thể/1 triệu dân (toàn quốc đã đạt 1.540 ca/1 triệu dân), năm 2010 có 273 ca/1 triệu dân (toàn quốc: 1.684 ca/1 triệu dân), năm 2011 có 492 ca/1 triệu dân (toàn quốc: 1.765 ca/1 triệu dân). Tỉ lệ mù loà và chỉ số CSR cảnh báo người dân Lâm Đồng nằm trong vùng cao của các bệnh gây mù loà.

Nhìn vào mạng lưới nhãn khoa của Lâm Đồng mới hiểu nguyên nhân của thực trạng này. Tuyến tỉnh có khoa mắt thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng có 1 bác sĩ chuyên khoa mắt, trang thiết bị chưa có. Khoa mắt ở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 7 bác sĩ chuyên khoa mắt, có trang thiết bị chuyên khoa đáp ứng cho việc thực hiện mổ đục thuỷ tinh thể, glocom, thực hiện được các loại phẫu thuật trung phẫu. 7/12 huyện có bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng thiếu các trang thiết bị chuyên khoa. Ở các phòng khám đa khoa khu vực chưa có bác sĩ chuyên khoa mắt (trừ 2 phòng khám khu vực ở Đà Lạt và Bảo Lộc) và thiếu trang thiết bị chuyên khoa. Tuyến xã có cán bộ phụ trách được tập huấn chăm sóc mắt ban đầu và cũng trong tình trạng thiếu trang thiết bị chuyên khoa.

Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh - Trưởng khoa Mắt của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng cho biết: Khoa mắt tại trung tâm thành lập từ năm 2000 nhưng đến nay trang thiết bị chuyên khoa chưa được đầu tư. Mục đích của dự án chăm sóc mắt toàn diện là đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao các dịch vụ chăm sóc mắt nhằm giảm thiểu số người bị mù có khả năng phòng chữa được. 5 mục tiêu của dự án là phát triển nhân lực, cơ sở hạ tầng, kiểm soát bệnh tật, nâng cao nhận thức về phòng chống mù loà và xây dựng năng lực y tế nhãn khoa; quản lý, giám sát để dự án hoạt động có hiệu quả.

Trong thời gian triển khai từ 2013-2016, dự án đào tạo nhân lực nhãn khoa cho tuyến tỉnh gồm: 1 phẫu thuật viên, 1 khúc xạ viên, 2 điều dưỡng, 2 cán bộ giảng viên về kỹ năng tập huấn, 2 cán bộ truyền thông cộng đồng. Đào tạo nhân lực nhãn khoa cho 3 huyện thực hiện dự án (Đơn Dương, Di Linh, Đạ Tẻh): 2 BS chuyên khoa mắt, 3 điều dưỡng chuyên khoa mắt, 3 cán bộ truyền thông cộng đồng, 3 cán bộ về kỹ năng dạy chủ động và tập huấn 780 lượt y tế thôn bản về chăm sóc mắt ban đầu. Cung cấp trang thiết bị cho Khoa mắt của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh: dụng cụ, máy móc để khám mắt, phẫu thuật đục thuỷ tinh thể, trung phẫu, giường lưu bệnh. Cung cấp trang thiết bị cho 3 huyện dự án: dụng cụ, máy móc để khám mắt, bộ chăm sóc mắt ban đầu cho 40 trạm y tế xã.

Khả năng kiểm soát bệnh từ dự án sẽ hỗ trợ khám và phẫu thuật cho 900 ca mổ đục thuỷ tinh thể, 36.000 học sinh cấp 2 khám tật khúc xạ, 300 ca mổ mộng mắt và nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc mắt. Kết quả mong đợi của dự án là triển khai được hoạt động mổ đục thuỷ tinh thể tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng, tăng tỷ lệ cán bộ y tế nhãn khoa trong toàn dân, tăng tỷ lệ CSR, tăng số người bệnh tiếp cận đến cơ sở y tế nhãn khoa, tăng tỷ lệ phần trăm học sinh được chẩn đoán có tật khúc xạ đeo kính, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đục thuỷ tinh thể, tật khúc xạ và chăm sóc mắt ban đầu, kế hoạch phòng chống mù loà cấp tỉnh được ban hành và phê duyệt.

DIỆU HIỀN