Ka Đê ấm no nhờ xuất khẩu lao động

03:01, 09/01/2013

Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên nhiều gia đình trong thôn đã có cuộc sống no đủ, từ đó, làm cho bộ mặt của vùng DTTS Ka Đê đổi thay. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của thôn luôn chiếm trên 20%, nhưng hiện nay, đã giảm xuống còn 8% và là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Ka Đơn.

Là thôn có trên 83% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với nguồn thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con thôn Ka Đê, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương luôn gặp nhiều khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên nhiều gia đình trong thôn đã có cuộc sống no đủ, từ đó, làm cho bộ mặt của vùng DTTS Ka Đê đổi thay. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của thôn luôn chiếm trên 20%, nhưng hiện nay, đã giảm xuống còn 8% và là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Ka Đơn.

Nhờ XKLĐ nên gia đình ông Ya Piáp đã có vốn đầu tư vào chăn nuôi để ổn định cuộc sống
Nhờ XKLĐ nên gia đình ông Ya Piáp đã có vốn đầu tư vào chăn nuôi để ổn định cuộc sống


Trưởng thôn Ya Piáp gật gù khi nhắc đến XKLĐ. Vì ông không những là người tiên phong vận động bà con trong thôn tham gia XKLĐ mà còn là gia đình đầu tiên thấy được hiệu quả của XKLĐ khi ba người con đều đi làm việc ở nước ngoài. Gia đình ông Ya Piáp có đến 12 người con, tất cả đều theo ông bà lên nương trồng lúa, xuống vườn trồng rau với tập quán canh tác lạc hậu nên cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày. Sau khi tham gia các cuộc họp có  phổ biến về chính sách cũng như lợi ích của XKLĐ, ông Piáp liền về tuyên truyền lại cho các con và động viên con đăng ký tham gia. Đầu tiên là người con trai cả Touprong Lãnh đăng ký đi làm việc tại Malaysia. Chỉ sau một năm, Lãnh đã gửi tiền về trả cho ngân hàng khi trước vay vốn để đóng phí ban đầu. Đều đặn cứ vài ba tháng Lãnh lại gửi về cho gia đình gần 20 triệu đồng để phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Sau 3 năm hết thời hạn hợp đồng, Lãnh trở về với một số vốn trong tay đủ để anh đầu tư vào sản xuất và có cuộc sống ổn định. Cũng từ khi Lãnh đi XKLĐ, cuộc sống gia đình ông Piáp bớt khó khăn hơn và sắm sửa được một số thứ trong nhà. Thấy rõ hiệu quả của XKLĐ khi anh trai đã tham gia, Touprong Cảnh liền đăng ký đi tiếp. Từ năm 2004 đến nay, Cảnh là người đầu tiên trong thôn đã đi XKLĐ tại các nước Malaysia, Quata, Trung Đông và hiện giờ đang làm việc tại Đài Loan. Cũng giống anh, cứ vài ba tháng, Cảnh lại gửi tiền về để bố mẹ sửa sang lại nhà cửa, mua xe máy và hỗ trợ cho anh em vay vốn để sản xuất. Ông Piáp cho biết, năm sau Cảnh sẽ hết hạn hợp đồng nhưng anh đang định gia hạn thêm để ở lại Đài Loan làm việc tiếp. Khi chúng tôi đến thăm nhà ông Piáp cũng là khi người con trai út Touprong Thượng Lĩnh quần áo lấm lem vừa đi làm về trên chiếc xe máy mới mua. Thượng Lĩnh khoe anh đang hùn vốn cùng mấy người bạn đào ao thả cá. Không những vậy, anh đang trồng hơn 1 sào bí Nhật sắp bước vào vụ thu hoạch. Tất cả những gì Thượng Lĩnh có được đều nhờ số vốn tích góp được sau mấy năm đi XKLĐ tại Quata và Đài Loan. Vậy là, từ một gia đình đông con cuộc sống khó khăn, giờ đây, ông Piáp đã có thể tự hào khi kinh tế gia đình dần ổn định và là gia đình tiêu biểu trong thôn có cuộc sống ấm no nhờ XKLĐ. “Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để các con đi XKLĐ nên đã giúp được gia đình bớt khó khăn, nhưng quan trọng nhất là giúp chúng có được số vốn để ổn định cuộc sống sau này”, ông Piáp tâm sự.

Không chỉ động viên các con trong gia đình tham gia XKLĐ, với vai trò là trưởng thôn, ông Ya Piáp còn tuyên truyền vận động bà con trong thôn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Thấy được hiệu quả khi các con ông Piáp đi XKLĐ, nhiều người trong thôn đã mạnh dạn tham gia. Anh Touprong Doãn cũng là một trong số những người ở thôn Ka Đê đi XKLĐ về có vốn đầu tư vào làm kinh tế. Năm 2005, anh đăng ký đi Malaysia, sau khi hết hạn hợp đồng anh lại đăng ký đi Đài Loan. Vừa trở về vào tháng 10/2012, anh đã có số vốn khoảng 150 triệu đồng và hiện đang đầu tư trồng 3 sào cà chua, bắp sú, đậu, nuôi bò… Cùng với anh Doãn, người em trai Touprong Bảo cũng đang đi XKLĐ tại Đài Loan được hơn 2 năm và cũng đang định sẽ gia hạn thêm hợp đồng để tiếp tục ở lại làm việc. Thời gian qua, Bảo cũng đã thường xuyên gửi tiền về để phụ giúp mẹ nuôi người em trai út bị tàn tật. “Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, sau khi 2 đứa con đi XKLĐ đã gửi tiền về giúp gia đình nên cuộc sống đỡ hơn, có vốn đầu tư vào sản xuất nên gia đình có cuộc sống ổn định hơn”, bà Ma Đu, mẹ của Doãn và Bảo cho biết.

Gia đình ông Piáp và bà Ma Đu chỉ là hai trong số nhiều gia đình DTTS ở thôn Ka Đê đã có cuộc sống ổn định nhờ XKLĐ. Chỉ trong mấy năm trở lại đây, thôn Ka Đê có hơn 10 trường hợp tham gia XKLĐ. Để vận động được bà con DTTS đi XKLĐ, cả hệ thống chính quyền địa phương đã vào cuộc. Ngoài việc tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, xã Ka Đơn đã tổ chức tư vấn trực tiếp tại những thôn có tiềm năng. Do đó, những người có nhu cầu đi XKLĐ đã yên tâm và mạnh dạn đăng ký tham gia. “Những năm gần đây, thôn Ka Đê đã giảm hộ nghèo nhiều, bà con dần có cuộc sống ổn định, no ấm nhờ đi XKLĐ. Người dân cũng đã nhận thức được hiệu quả của XKLĐ. Từ đó, đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương”, ông Kiều Đình Nho – Chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho biết. Dẫu cuộc sống chưa thật sự gọi là “đổi đời” cho bà con đồng bào DTTS thôn Ka Đê, nhưng XKLĐ cũng đã giúp họ có cuộc sống mới với cơm no áo ấm để có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Tuấn Hương