Lạc Dương với việc duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở

11:01, 29/01/2013

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, làm cơ sở vững chắc để thực hiện công tác giảm nghèo ở từng hộ gia đình, nhất là ở một huyện còn nhiều khó khăn như Lạc Dương...

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, làm cơ sở vững chắc để thực hiện công tác giảm nghèo ở từng hộ gia đình, nhất là ở một huyện còn nhiều khó khăn như Lạc Dương; vì vậy, trong những năm qua, công tác PCGDTHCS luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của ngành giáo dục và các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

Chất lượng giáo dục của huyện Lạc Dương ngày càng được nâng lên
Chất lượng giáo dục của huyện Lạc Dương ngày càng được nâng lên


Lạc Dương là huyện vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS chiếm trên 75% tổng dân số toàn huyện. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, cơ sở hạ tầng của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là hệ thống giao thông và các thiết chế y tế, giáo dục. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển và từng bước ổn định về số lượng và chất lượng, các yêu cầu cơ bản về nhu cầu học tập của nhân dân được quan tâm đầu tư, trình độ dân trí được nâng lên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tính đến năm học 2012 - 2013, toàn huyện có 22 đơn vị trường học với tổng số 5.516 học sinh, trong đó, mầm non 1.178 cháu, học sinh tiểu học 2.078 em, học sinh THCS 1.657 em và học sinh THPT 603 em. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ công tác dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 3/7 trường THCS có phòng học bộ môn và 7/7 trường có phòng máy vi tính. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu, tổng số giáo viên THCS trong toàn huyện là 152 người, trong đó, số giáo viên đạt chuẩn là 29,6%, trên chuẩn 69,1%, tỷ lệ giáo viên trên lớp đạt 2,24%.

Để duy trì PCGDTHCS, việc mở lớp và duy trì các lớp PCTHCS được chú trọng. Công tác PCTHCS cho học sinh trong độ tuổi không có điều kiện đến trường phổ thông được tiến hành vận động từ cấp xã. Đến tháng 12/2007, toàn huyện đã có 4 lớp được nghiệm thu hoàn thành chương trình lớp 9 phổ cập với 48 học viên, tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa và có đông đồng bào DTTS như Đưng K’Nớ, Đạ Nhim, Đạ Chais. Đồng thời, mở rộng tối đa mạng lưới trường học theo địa bàn dân cư, quan tâm đặc biệt đến các xã vùng sâu, vùng xa. Huy động 100% học sinh hết cấp tiểu học vào học lớp 6 THCS, duy trì học sinh hết lớp hết cấp, hạn chế tối đa học sinh bỏ học, lưu ban ở các bậc học bằng mọi biện pháp huy động học sinh bỏ học tiếp tục đến lớp, đến trường. Đối với tiêu chuẩn PCTHCS, năm học 2011 – 2012, toàn huyện có 372 học sinh lớp 9, với 370 em tốt nghiệp THCS, đạt 99,5%; tổng số đối tượng trong độ tuổi từ 15 – 18 là 1.891 em, số có bằng tốt nghiệp THCS 1.433 em, đạt 75,78%. Tổng số đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn PCTHCS là 6/6 đơn vị, tỷ lệ 100%. Năm 2007, huyện Lạc Dương được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS. Đến năm 2008, các xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS. Năm 2011, huyện Lạc Dương đã được công nhận duy trì kết quả đạt chuẩn PCTHCS.

“Công tác PCGD là một hoạt động thường xuyên, liên tục. Muốn đạt được kết quả phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đồng thời, phải thường xuyên tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân, đoàn thể trong công tác huy động, duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học; bên cạnh đó, phải xác định giáo dục phổ thông là một trong những hoạt động có tính chất quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác PCGDTHCS. Do vậy, huyện Lạc Dương đã đặt ra nhiệm vụ cho những năm tiếp theo là phải đẩy mạnh các giải pháp tích cực, tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả đạt chuẩn PCGDTHCS, làm cơ sở tiến tới PCGD bậc trung học trong những năm tới”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo PCGD huyện Lạc Dương chia sẻ.

Tuấn Hương