Năm 2012, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV với kiến trúc nổi tiếng Biệt điện Trần Lệ Xuân và là nơi lưu trữ tư liệu Mộc bản triều Nguyễn đã đón tiếp gần 55 ngàn lượt khách tham quan, nhiều hơn số lượng khách tham quan của 4 năm đầu tiên (từ 2008-2011)...
Năm 2012, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV với kiến trúc nổi tiếng Biệt điện Trần Lệ Xuân và là nơi lưu trữ tư liệu Mộc bản triều Nguyễn đã đón tiếp gần 55 ngàn lượt khách tham quan, nhiều hơn số lượng khách tham quan của 4 năm đầu tiên (từ 2008-2011). Ngoài sức hút của trưng bày những giá trị từ các tư liệu lịch sử quý hiếm đang được sưu tầm, bảo quản và tổ chức trưng bày ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đến khách tham quan ở mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, còn có ấn tượng đặc biệt về các chị em thuyết minh.
Trần Thị Minh - Trưởng phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu, tự hào giới thiệu kho Mộc bản triều Nguyễn |
Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán – Nôm ngược dùng để in ấn tài liệu nhằm phổ biến ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo trong thời kỳ phong kiến, có độ dày từ 2-4cm, diện tích 0,43m x 0,27m, nặng từ 300-400 gram. Hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang lưu giữ 34.619 tấm mộc bản gốc, với hơn 55 ngàn bản khắc, được đánh giá là khối tài liệu có giá trị nhất, đầy đủ và nhiều nhất lưu truyền công danh sự nghiệp của vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc giã... Ngoài Mộc bản triều Nguyễn, tại khu Biệt điện Trần Lệ Xuân, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn trưng bày những tư liệu về miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là tư liệu chuyên đề “Miền Trung – Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc 1954-1975” là dấu ấn của thời kỳ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước oanh liệt của… đồng bào miền Trung - Tây Nguyên.
Đến đây, khách tham quan còn được thưởng lãm một khu dinh thự tuyệt đẹp với cuộc sống xa hoa, giàu sang của bà Trần Lệ Xuân – phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu dưới chế độ độc tài họ Ngô. Lịch sử của khu Biệt điện từ tư dinh của gia đình họ Ngô, đến Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên... nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là những cố gắng, nỗ lực tiếp quản, khôi phục hiện trạng khu Biệt điện, đến việc thu thập, xử lý, bảo quản tư liệu... Từ năm 2008, Trung tâm có các khu trưng bày giới thiệu tài liệu đến du khách với đội ngũ thuyết minh chính là những cán bộ của Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu. TS. Phạm Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tâm sự: “Đối với nghề của chúng tôi, muốn tồn tại phải hiểu lịch sử, phải yêu và trân trọng lịch sử, yêu văn hoá, yêu đất nước thực sự. Chúng tôi không thể thuyết minh cho du khách theo kiểu học thuộc bài rồi trả bài cho xong, mà phải giới thiệu bằng cả tấm lòng. Muốn vậy, phải nắm vững kiến thức lịch sử, phải hiểu giá trị của từng trang tài liệu, từng tấm ảnh lưu trữ, phải “ngấm” những kiến thức lịch sử ấy vào máu thịt của mình và “truyền” cho du khách. Có như vậy mới tạo được sự hấp dẫn, sự cuốn hút du khách, giúp cho họ tiếp nhận lịch sử một cách hứng thú, tự nhiên như một nhu cầu và Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu đã làm được việc đó.
Trần Thị Minh – Trưởng phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu, cho biết thêm: “Việc giới thiệu các tư liệu cho khách tham quan là một phần trong công việc hàng ngày của phòng gồm 8 chị em. Lợi thế của cán bộ Trung tâm là được làm việc trong môi trường tư liệu lưu trữ, nên quá trình làm việc cũng là quá trình tìm hiểu rõ ngọn nguồn của nội dung tư liệu. Tuy nhiên, để có thể trụ lại với nghề phải có trái tim và tình cảm thật sự với các tư liệu, phải làm việc bằng tâm huyết và đam mê thì mới làm cho khách tham quan cảm nhận được giá trị thực sự quý giá từ quá khứ thông qua các tư liệu”.
Có lẽ chính từ sự tâm huyết, đam mê của đội ngũ thuyết minh đã gieo niềm xúc động cho du khách. Vì vậy mà, cô Kiều Nga – giảng viên chuyên ngành văn hoá học nhận xét rằng: “Mỗi lần đến Biệt điện Trần Lệ Xuân, tôi đều có cảm xúc khác nhau. Các thuyết minh viên đã truyền được cho khách tham quan lòng căm thù những tội ác chiến tranh, hay nghẹn ngào với những nỗi đau thể xác mà đồng bào phải chịu đựng, hoặc cảm giác tự hào khi giới thiệu về kho tư liệu Mộc bản... thể hiện trên khuôn mặt các em bằng sự cố gắng, tận tâm và nhiệt huyết... Hoạt động này của Trung tâm góp phần làm cho lịch sử gần hơn với công chúng”. Còn TS. Nguyễn Quốc Tuấn (Trường Đại học Hồng Đức – Thanh Hoá), cho biết: “Biệt điện Trần Lệ Xuân và tư liệu Mộc bản triều Nguyễn gây ấn tượng rất sâu sắc cho chúng tôi, bởi ngoài những giá trị văn hoá, lịch sử vô giá; còn là cách giới thiệu rất tốt, như hoá thân vào hoàn cảnh của cán bộ ở đây”.
Mặc dù chưa qua trường lớp về thuyết minh, trải nghiệm chưa nhiều, nhưng sự nhiệt tâm “truyền lửa” rất tốt là hồi âm từ du khách, từ những người nghiên cứu lịch sử về đội ngũ hướng dẫn ở trung tâm. Cùng sự phục vụ, đón tiếp chu đáo, chuyên nghiệp của anh chị em cán bộ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã để lại cho họ nhiều ấn tượng không thể nào quên. Nhiều người cho rằng, đến Đà Lạt không phải chỉ thưởng lãm về hoa và không gian trong lành mà còn có những cung bậc cảm xúc rất khác lạ khi đến thăm Biệt điện Trần Lệ Xuân... Cũng như các di sản vật thể và phi vật thể khác, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là báu vật của Việt Nam, mà còn là báu vật của nhân loại. Trải qua hơn 3 năm vất vả về thời gian, tâm lực, vật lực, nhân lực... tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn là di sản đầu tiên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, của ngành Lưu trữ Việt Nam và của cả dân tộc Việt Nam. Và, các cán bộ đang làm nhiệm vụ bảo quản, gìn giữ di sản ở đây, cũng đang giữ gìn, truyền bá, nhân lên niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mỗi ngày.
LÊ HOA